Tuy nhiên, mối lo trên đang dần được giải tỏa. Theo cập nhật của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đến cuối năm 2017, trong tổng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ hệ thống tài chính (gồm hệ thống ngân hàng thương mại, các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và công ty bảo hiểm) ước đạt 198% GDP, tăng 28,6% so với cuối năm 2016.
Trong đó, vốn huy động từ TTCK đạt gần 245.000 tỷ đồng, tăng tới 66,4% so với cuối năm 2016. Mức tăng này cao hơn mức tăng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng là 18,1% trong năm 2017, đạt 6,5 triệu tỷ đồng đến cuối năm 2017.
Nhìn trong giai đoạn dài, tín hiệu còn tích cực hơn nhiều khi vai trò huy động và tài trợ vốn cho nền kinh tế đang vận động theo hướng giảm bớt phụ thuộc vào hệ thống tổ chức tín dụng, tăng vai trò của thị trường vốn trong huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.
Theo đó, tỷ trọng cung ứng vốn cho nền kinh tế từ thị trường vốn tăng từ 21,6% năm 2012 lên 35,4% năm 2017, trong khi với hệ thống tổ chức tín dụng, con số này giảm từ 78,4% xuống 64,6%. Trong giai đoạn 2012 - 2017, cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán tăng bình quân khoảng 33,4%/năm, gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng (16,6%/năm).
Với bối cảnh kinh tế vĩ mô, cũng như quá trình tái cơ cấu thị trường tiền tệ, thị trường vốn đang được thúc đẩy, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, cung ứng vốn của hệ thống tài chính cho nền kinh tế vào cuối năm 2018 ước tăng trưởng khoảng 19,3% so với cuối năm 2017.
Trong đó, cung ứng vốn từ thị trường vốn tiếp tục tăng trưởng cao, ước tăng 22,5%, còn cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng ước tăng 17,5%.
Tuy nhiên, để quá trình cung ứng vốn từ thị trường chứng khoán cho nền kinh tế tăng trưởng bền vững, một thực trạng đang cần Chính phủ, đặc biệt là ngành ngân hàng và tài chính trong quá trình tái cơ cấu thị trường tiền tệ, thị trường vốn, cũng như hoạch định chiến lược mới cần khắc phục, đó là tỷ trọng tài sản của hệ thống tổ chức tài chính còn quá khiêm tốn so với hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong tổng tài sản của các định chế tài chính ước đạt 200% GDP, tỷ trọng tài sản của các tổ chức tín dụng chiếm tới 95,9%, trong khi các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chiếm 3%, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 1,1%. Bên cạnh đó, cũng cần khắc phục tình trạng trong hệ thống vẫn còn một số định chế tài chính có mức vốn điều lệ thấp hơn quy định…
Việc khắc phục những hạn chế trên, cũng như có cơ chế đủ mạnh và hiệu quả để phân vai sắc nét hơn: Thị trường vốn huy động và cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế, thị trường tiền tệ cung cấp nguồn vốn ngắn hạn, sẽ không chỉ giúp hai thị trường này phát triển lành mạnh hơn theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, mà quan trọng hơn là giảm rủi ro cho nền kinh tế, giảm chi phí hoạt động và gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng có đóng góp tích cực và bền vững hơn cho tăng trưởng kinh tế.