NBT là doanh nghiệp thứ 300 chào sàn
Ngày 1/6, có 3 doanh nghiệp cùng lên sàn UPCoM là CTCP Cấp thoát nước Bến Tre (NBT), CTCP Xây dựng Công nghiệp (ICC) và CTCP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng - Coninco (CNN). Trong đó, NBT là doanh nghiệp thứ 300 trên UPCoM.
Ông Phạm Chí Vũ, Chủ tịch HĐQT NBT cho biết, quyết định đăng ký giao dịch cổ phiếu của NBT là thực hiện cam kết với các cổ đông về nỗ lực đưa doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả và minh bạch. Với các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích, không phải cổ phiếu nào cũng hấp dẫn nhà đầu tư.
Tuy nhiên, NBT tin tưởng, cổ phiếu của Công ty sẽ được các nhà đầu tư quan tâm. NBT hiện có vốn điều lệ 280 tỷ đồng và đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên rất cần vốn. Công ty đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ trong thời gian tới. Lên sàn chứng khoán là cơ hội để Công ty để khẳng định sự trưởng thành, sự tự tin của doanh nghiệp và tìm cơ hội thu hút vốn đầu tư.
Thị trường UPCoM hiện đã có 300 mã đăng ký giao dịch
Đối với CNN, ông Hà Minh, Phó tổng giám đốc CNN chia sẻ, Việt Nam hiện có 3 sàn chứng khoán, trong đó sàn UPCoM có mức độ quan tâm của các nhà đầu tư chưa cao, nhưng gần đây có nhiều doanh nghiệp lớn chọn UPCoM để đưa cổ phiếu lên giao dịch. Thêm vào đó, HNX đang tiến hành phân bảng giao dịch và xây dựng bộ chỉ số UPCoM Premium Index. Đây là động lực để CNN quyết định đưa cổ phiếu lên sàn này nhằm minh bạch hóa thông tin và tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông.
Góp ý về việc nâng cao thanh khoản cho UPCoM, lãnh đạo CNN cho rằng, thanh khoản trên thị trường là cung cầu tự nhiên, nhưng nếu có nhà tạo lập thị trường giống như ở nhiều thị trường chứng khoán quốc tế, thì đó là một điểm rất tốt để nâng cao vị thế cũng như nguồn vốn chảy vào thị trường.
Được biết, CNN là doanh nghiệp đầu tiên thuộc Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam lên sàn chứng khoán. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, CNN đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 44 tỷ đồng lên 68 tỷ đồng.
Vốn hóa sàn UPCoM hiện đạt trên 100.000 tỷ đồng
Sàn UPCoM chính thức khai trương giao dịch ngày 24/6/2009. Tại thời điểm khai trương, có 10 doanh nghiệp thực hiện đăng ký giao dịch với giá trị theo mệnh giá 1.200 tỷ đồng. Đến nay, con số này đã tăng lên trên 300 doanh nghiệp, với giá trị đăng ký giao dịch 69.500 tỷ đồng; quy mô vốn hóa thị trường đạt hơn 108.453 tỷ đồng, gấp 25 lần so với vốn hóa tại thời điểm cuối năm 2009. Thanh khoản của thị trường trong 5 tháng đầu năm nay tăng mạnh, giá trị giao dịch bình quân đạt 130,1 tỷ đồng/phiên.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho rằng, UPCoM những năm gần đây có sự phát triển nhanh là nhờ vào các chính sách của Chính phủ trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường như Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của doanh nghiệp nhà nước; Nghị định số 60/2015/NĐ-CP trong đó có nội dung nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia TTCK Việt Nam, rút ngắn thời gian doanh nghiệp sau cổ phần hóa đăng ký giao dịch trên UPCoM…
Với các chính sách trên, cùng với nỗ lực và các giải pháp của Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, HNX cũng đã có các hoạt động hỗ trợ thị trường UPCoM phát triển như thực hiện nới rộng biên độ giao dịch, đặc biệt sắp tới là phân bảng cổ phiếu trên thị trường. Ngoài ra, HNX đang phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành sửa đổi Thông tư 196/2001/TT-BTC, trong đó có nội dung gắn đấu giá, cổ phần hóa với đăng ký giao dịch trên UPCoM, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tham gia đấu giá sớm được giao dịch cổ phần. Khi Thông tư này được ban hành, sẽ hỗ trợ thị trường UPCoM phát triển, sớm hoàn thành mục tiêu thu hẹp thị trường cổ phiếu tự do, đồng thời tạo điều kiện “tập dượt” cho các doanh nghiệp trước khi niêm yết.