Vốn Hàn vào điểm trũng Việt Nam

Vốn Hàn vào điểm trũng Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Sau khi Chính phủ Hàn Quốc tuyên bố thực thi chính sách hướng Nam mới vào năm 2017, thúc đẩy hợp tác kinh tế với các nền kinh tế ASEAN, thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam ghi nhận dòng vốn của các tập đoàn tài chính Hàn Quốc rót vào ồ ạt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tham gia và lớn mạnh nhanh chóng của các công ty chứng khoán Hàn Quốc.

Nhiều tập đoàn tài chính xứ Kim Chi mua lại công ty chứng khoán yếu, rót tiền tăng vốn điều lệ lên hàng nghìn tỷ đồng, tuyển dụng nhân sự, đánh chiếm thị phần, tạo sức ép cạnh tranh mới và góp phần không nhỏ làm thay đổi bức tranh ngành dịch vụ chứng khoán Việt.

Trong lĩnh vực ngân hàng, thông qua hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A), Shinhan Bank và Woori Bank đã trở thành là hai ngân hàng 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Nhiều công ty tài chính tiêu dùng trong nước cũng đã chuyển nhượng cổ phần cho đối tác Hàn.

Nhưng sở hữu công ty mới chỉ là bước đầu của bên mua, việc triển khai mở rộng các hoạt động kinh doanh mới là giai đoạn hấp thụ vốn lớn của đại gia Hàn Quốc tại Việt Nam.

Với “cây cầu vốn” được tạo dựng thông qua các công ty chứng khoán, ngân hàng, công ty tài chính, vốn Hàn Quốc dự báo còn tiếp tục được bơm vào doanh nghiệp và thị trường Việt Nam.

Sự hiện diện sâu rộng của nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực tài chính chứng khoán chính là điểm khác biệt lớn trong đầu tư của nước này vào Việt Nam so với các nhà đầu tư nước ngoài khác như Nhật Bản, châu Âu hay Mỹ.

Các quan chức đại diện Chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng, Việt Nam là một quốc gia chiến lược trong chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc. Sau khi nước này công bố chính sách hướng Nam mới thì xảy ra thương chiến Mỹ- Trung, sau đó là sự xuất hiện của đại dịch Covid -19, tạo nên dịch chuyển chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu mà Việt Nam là một điểm đến được lựa chọn.

Chính sách hướng Nam dường như đã giúp các doanh nghiệp Hàn Quốc đi trước nhà đầu tư các nước khác một bước.

Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc đang gặp khó khăn, mặt bằng lãi suất về mức rất thấp, trong khi Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng còn rộng mở, nên đây là yếu tố cơ bản để vốn đầu tư Hàn Quốc tiếp tục chọn điểm trũng Việt Nam.

Theo KBS WORLD Radio, Đài phát thanh thông tin đối ngoại Hàn Quốc, các nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đà tăng điểm trên TTCK Hàn Quốc khi họ mua ròng gần 40.000 tỷ won (33,8 tỷ USD) cổ phiếu trong nửa đầu năm nay.

Trào lưu mua cổ phiếu chủ yếu được dẫn dắt bởi những nhà đầu tư tuổi 20, 30. Sự tương đồng về đặc điểm nhà đầu tư này hậu thuẫn cho nhận định rằng, không chỉ các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế mà cả các nhà đầu tư cá nhân ở Hàn Quốc cũng đã quan tâm và đầu tư vào thị trường chứng khoán, trong đó có Việt Nam.

Hoạt động đầu tư của người Hàn có thể thực hiện gián tiếp thông qua các công ty quản lý quỹ hay thậm chí trực tiếp giao dịch với sự hỗ trợ của đội ngũ môi giới, tư vấn đồng hương đông đảo ở Việt Nam.

Chọn chủ đề “Khơi mạch vốn Hàn” làm Tiêu điểm số báo 115, Đầu tư Chứng khoán mang đến cho bạn đọc bức tranh tổng quan về dòng chảy vốn Hàn vào Việt Nam.

Một chủ điểm khác cũng được làm đậm trong số báo này là câu chuyện chuyển mình của bất động sản công nghiệp và cách mà các bên đang chuẩn bị, đón cơ hội dịch chuyển dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Với nền tảng nền kinh tế, chính trị ổn định, sau dòng chảy vốn Hàn, hy vọng Việt Nam sẽ có thêm nhiều câu chuyện mới về dòng chảy vốn từ các quốc gia khác, cùng đến và hợp sức phát triển.

Tin bài liên quan