Dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra và lan rộng trên toàn cầu đã và đang tác động rất lớn đến kinh tế thế giới nói chung, hoạt động M&A nói riêng.
Hoạt động M&A tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu đều giảm mạnh do các nhà đầu tư có những phản ứng thận trọng, đồng thời những điều kiện về cách ly trên toàn cầu gây trở ngại cho việc tìm hiểu, đánh giá và ra quyết định. Dự kiến, giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với 2019).
Thị trường M&A tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư ngoại, trong đó tập trung vào 4 quốc gia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Singapore.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc thời gian gần đây rất tích cực trong các hoạt động M&A. Một số thương vụ đáng chú ý trong 9 tháng đầu năm nay như SK Investment III (công ty con của SK Group) đã mua vào hơn 12 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm; Lotte Chemical (thuộc Tập đoàn Lotte) mua lại Công ty VinaPolytech; GS Caltex đã chi 39 tỷ đồng (gần 1,7 triệu USD) để mua 16,7% cổ phần của VI Automotive Service (công ty mẹ của VietWash)…
Thực tế, kể từ năm 2017 tới nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc thường xuyên được nhắc tên trong các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu của Forbes, 2 năm gần đây, xét về quy mô giao dịch, SK Group là cái tên nổi bật đến từ xứ sở Kim Chi. Tập đoàn kinh doanh đa ngành thành lập năm 1939 đã rót lần lượt 1 tỷ USD và 470 triệu USD để sở hữu cổ phần của Vingroup và Masan Group.
2 năm gần đây, xét về quy mô giao dịch, SK Group là cái tên nổi bật đến từ xứ sở Kim Chi. Tập đoàn này đã rót lần lượt 1 tỷ USD và 470 triệu USD để sở hữu cổ phần của Vingroup và Masan Group.
Ngoài ra, SK Energy, nhánh kinh doanh năng lượng của SK Group hiện sở hữu 54 triệu cổ phần PVOIL, doanh nghiệp phân phối xăng dầu lớn thứ hai thị trường với 15% thị phần.
Hiện tại, SK Group là một trong 10 tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc, có ba công ty thành viên nằm trong danh sách Global 2000, gồm SK Hynix, công ty sản xuất bán dẫn và chíp máy tính (vị trí 269); SK Holdings, công ty cung cấp các dịch vụ công nghệ cao (549) và SK Telecom, nhà mạng viễn thông (615).
Thập niên 2000, SK Telecom từng hợp tác với SPT Telecom phát triển hệ thống mạng di động S-Fone tại Việt Nam nhưng dự án không mấy thành công.
Nếu như nhà đầu tư Thái Lan tỏ ra ưa chuộng lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, sản xuất thì dòng vốn từ Hàn Quốc có khẩu vị đa dạng hơn. Trong đó, ngành ngân hàng cũng là nơi ghi nhiều dấu ấn của vốn Hàn. Ngoài thương vụ KEB Hana Bank - BIDV, trước đó, hàng loạt nhà đầu tư Hàn Quốc đã nhanh chân hiện diện.
Trong 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở nước ta, có tới 2 ngân hàng đến từ Hàn Quốc là Shinhan Bank và Woori Bank. Ngoài ra, thị trường còn có gần chục chi nhánh, 6 văn phòng đại diện và 2 công ty cho thuê tài chính đến từ xứ sở Kim Chi.
Năm ngoái, thị trường xuất hiện thêm 2 công ty tài chính tiêu dùng thuộc về nhà đầu tư Hàn Quốc sau hai thương vụ M&A đình đám: Shinhan Card (thành viên của Tập đoàn Shinhan Financial Group) mua lại Prudential Finance và Lotter Card mua lại Techcombank Finance. Trước đó, Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc mua lại hơn 62% cổ phần của VNPT Pay.
Trong lĩnh vực chứng khoán, được bơm nguồn vốn giá rẻ, hai năm qua các công ty chứng khoán xứ Hàn như Mirae Asset, KIS Việt Nam, KB Securities… cũng có những bước chạy đua nhanh, mạnh trên thị trường.
Đáng chú ý, dù dòng vốn Hàn Quốc mới được chú ý nhờ nhiều thương vụ lớn tại thị trường Việt Nam trong khoảng 2 năm gần đây, nhưng thực tế, các doanh nghiệp từ xứ sở Kim Chi đã sớm hiện diện và thâm nhập vào nhiều ngóc ngách của thị trường.
Trong đó, CJ là một trong những cái tên có thâm niên hoạt động tại Việt Nam với bề dày tương đương các ông lớn Samsung, LG, Hyundai.
Tập đoàn đa ngành CJ có mặt tại Việt Nam từ trước khủng hoảng tài chính châu Á, hoạt động kinh doanh ban đầu ở mảng thức ăn chăn nuôi và logistics. Thông qua M&A, CJ đã mở rộng các mảng kinh doanh mới như giải trí, thực phẩm.