M&A ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng là xu hướng nổi bật nhất trong năm qua

M&A ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng là xu hướng nổi bật nhất trong năm qua

Vốn gián tiếp vào Việt Nam sẽ tăng mạnh

(ĐTCK) Các nhà phân tích kinh tế - tài chính cho rằng, nhiều khả năng nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp (FII) cũng sẽ tăng mạnh. 

Triển vọng lạc quan trong dài hạn, yếu tố căn bản tại các thị trường mới nổi được cải thiện, tâm lý né tránh rủi ro suy giảm, kỳ vọng mở cửa thị trường vốn… là các yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư.

Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam năm 2015 đã đạt kỷ lục trong 10 năm qua, ước đạt giá trị 5,2 tỷ USD, tăng trưởng 23,8% so với năm 2014. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A đạt trên 3 tỷ USD. Trong đó, M&A ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, với mục tiêu thâm nhập và mở rộng thị trường, là xu hướng nổi bật nhất trong năm qua, bên cạnh lĩnh vực bất động sản.

Cuộc đua M&A tìm cơ hội mới trong các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, bất động sản, nông nghiệp…, cùng với các yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách pháp luật ngày càng thuận lợi, M&A tại Việt Nam được dự báo sẽ bùng nổ vào giai đoạn 2016 - 2020.

Tổng giám đốc Mekong Capital, ông Chris Freund cho rằng, xu hướng M&A doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động trong những năm tới. Đây được xem là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“M&A trong nước từ các quốc gia trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đã tương đối ổn định trong năm nay và chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2017. Dựa trên các cuộc gặp gỡ của tôi với nhiều nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tôi cho rằng, xu hướng M&A sẽ tiếp tục sôi động ở tất cả các lĩnh vực: bất động sản, nông nghiệp, sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm…”, ông Chris nói và cho biết, chiến lược của Mekong Capital cũng dần thay đổi khi tỷ lệ đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân là mua lại gần như toàn bộ cổ phần của một công ty, thay vì chỉ 10 - 30% như trước đây. Bởi điều này giúp Quỹ đẩy nhanh việc thực hiện những thay đổi dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng.

Mekong Capital đã lên kế hoạch giải ngân Quỹ mới là Mekong Enterprise Fund III Limited Partnership (“MEF III”), với tổng vốn cam kết 112 triệu USD. Mục tiêu vẫn nhắm đến các doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng tư nhân. Mekong Capital cho rằng, các tiêu chuẩn quản lý tại các công ty tư nhân nội địa thường khá thấp, đặc biệt là các công ty tham gia vào lĩnh vực bán lẻ. Tuy nhiên, Mekong Capital sẽ làm việc cùng doanh nghiệp để phát triển chuyên môn cao tại lĩnh vực bán lẻ và các lĩnh vực khác.

TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng, hiện Chính phủ đang nỗ lực tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, song thách thức vẫn còn phía trước, trong khi các doanh nghiệp nhà nước có nhiều thuận lợi hơn. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra cho năm nay là tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong nước, nhất là với khối tư nhân, nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang ngày càng khởi sắc, nhưng bước đầu đây chỉ là mục tiêu “mềm”.

Đây cũng là lý do ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, dòng vốn gián tiếp tiếp tục chảy vào Việt Nam nhưng sẽ có sự chọn lọc. Theo ông Hải, tình hình kinh tế đang dần hồi phục và môi trường kinh doanh tại Việt Nam được cải thiện sẽ là điều kiện tích cực để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII). Dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam, song sẽ có sự chọn lọc kỹ hơn so với trước đây.

“Trải qua thời kỳ tăng trưởng nóng của Việt Nam vừa qua, không phải tất cả các doanh nghiệp đều tăng trưởng tốt, chỉ có một số doanh nghiệp nằm vị trí đứng đầu ngành mới có thể cạnh tranh và có nhiều thuận lợi. Vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiến hành chọn lọc kỹ càng hơn”, ông Hải cho biết.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế (GDP) có dấu hiệu chững lại trong nửa đầu năm 2016, song TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 6 - 6,5% trong năm nay và nếu giải quyết được các khó khăn về nợ xấu, thâm hụt ngân sách, nhiều khả năng sẽ đạt được mục tiêu đặt ra. 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng GDP theo thống kê chính thức là 5,52%. Mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%.

Bên cạnh các yếu tố thuận lợi, dòng vốn chảy vào các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, sẽ vấp phải một số rào cản nhất định. Giám đốc khối thị trường mới nổi tại Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc), ông Yun Hang Jin cho rằng, cuộc bầu cử Mỹ và khả năng trì hoãn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có ảnh hưởng nhất định đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Theo đó, cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Mỹ dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm nay. Hiện tại, theo các nguồn tin từ truyền thông, các ứng cử viên tổng thống đều có chủ trương bảo hộ thương mại nên tới đây, khả năng bức tường mậu dịch sẽ cao hơn trước và điều này gây ảnh hưởng tới Hiệp định TTP.

“Việc TPP bị trì hoãn xảy ra cũng có nghĩa là thị trường Việt Nam mất đi một yếu tố hỗ trợ. Tuy nhiên, kỳ vọng đã được phản ánh nhiều vào giá cổ phiếu và cũng gây ảnh hưởng không nhiều tới nền tảng kinh tế của Việt Nam”, ông Jin nói. 

Tin bài liên quan