Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm nay, Thành phố đã thu hút được 2,15 tỷ USD vốn FDI, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể, có 340 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư gần 375 triệu USD. Đồng thời, có 91 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm khoảng 346 triệu USD.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM nhận định, nhà đầu tư Hàn Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn nhất về vốn đầu tư, khoảng 26,9% với 101,09 triệu USD; tiếp theo là nhà đầu tư của Nhật Bản, Malaysia và Singapore.
Nhà đầu tư Hàn Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn nhất về vốn đầu tư, khoảng 26,9% với 101,09 triệu USD; tiếp theo là nhà đầu tư từ Nhật Bản, Malaysia...
Đơn cử, Dự án Nhà máy chế biến thực phẩm Cầu Tre có vốn đầu tư khoảng 53,5 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 7,1 ha tại Khu công nghiệp Hiệp Phước. Dự án này được đầu tư bởi Công ty cổ phần thực phẩm CJ Cầu Tre, liên doanh được thành lập bởi Tổng công ty thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) và Tập đoàn CJ Cheijedang (Hàn Quốc). Dự án hoạt động trong lĩnh vực chế biến sản phẩm từ thủy sản, từ thịt; sản xuất các loại trà, bánh kẹo.
Cũng liên quan đến các nhà đầu tư Hàn Quốc, theo chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trong khuôn khổ chuyến thăm, xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc của lãnh đạo Thành phố hồi đầu năm nay, nhiều tập đoàn lớn của xứ kim chi đã chia sẻ về kế hoạch mở rộng kinh doanh hoặc lựa chọn TP.HCM để đầu tư.
Đầu tháng này, đoàn doanh nghiệp của tỉnh Gangwon (Hàn Quốc) cũng đã đến TP.HCM. Nhân dịp này, chính quyền 2 địa phương đã ký bản ghi nhớ về thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác. Việc ký ghi nhớ hợp tác này là cơ sở để doanh nghiệp, nhà đầu tư của tỉnh Gangwon gia tăng đầu tư vào TP.HCM trong thời gian tới.
Theo thống kê, hiện có 1.340 dự án của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào TP.HCM với số vốn cam kết đứng thứ 4 trong số 87 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Thành phố. Tuy nhiên, với những động thái nói trên, trong thời gian tới, nguồn vốn đầu tư và thứ hạng của các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục gia tăng.
Cũng trong thời điểm này, TP.HCM chấp thuận cho 915 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong doanh nghiệp, với tổng vốn khoảng 1,15 tỷ USD.
Việc nhà đầu tư nước ngoài gia tăng hình thức đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp của TP.HCM đã góp phần đáng kể trong kết quả chung.
Tính cả năm 2016, TP.HCM đã chấp thuận cho 1.900 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp, với tổng vốn góp đăng ký ước đạt 1,9 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, con số này lần lượt chiếm tỷ lệ gần 50% số nhà đầu tư và số vốn đăng ký trên 60% so với cả năm trước.
Để hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài có điều kiện thuận lợi triển khai các dự án, thời gian qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã triển khai Dịch vụ Đăng ký đầu tư trực tuyến - góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài khi có nhu cầu góp vốn vào doanh nghiệp tại TP.HCM.
“Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã tiếp nhận 612 hồ sơ đăng ký trực tuyến thành công và hiện nay đang tiến hành xây dựng giai đoạn 2 của Chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến áp dụng cho một số thủ tục đầu tư khác trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài”, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết.