Diễn đàn xúc tiến đầu tư nông nghiệp Việt Nam.
Tại Diễn đàn "Xúc tiến đầu tư nông nghiệp Việt Nam - Thúc đẩy làn sóng đầu tư nước ngoài mới vào phát triển nông nghiệp bền vững" do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức tại TP.HCM sáng 9/12, các chuyên gia nhận định, đầu tư nước ngoài đã có nhiều đóng góp trong NN&PTNT như bổ sung nguồn vốn, tăng trưởng xuất khẩu, tạo việc làm cho người dân…
Từ giai đoạn 2010 đến nay, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều phát triển. Tốc độ tăng trưởng GDP nông - lâm - thủy sản duy trì ổn định, đạt 2,83%/năm trong giai đoạn 2011-2020, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm 8 -10% trong 2011-2020, kim ngạch xuất khẩu 2010 - 2020 đạt 350,55 tỷ USD, tăng bình quân 8,05%/năm.
Tuy nhiên, vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế, chưa phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam.
Tổng số dự án lũy kế còn hiệu lực trong ngành nông nghiệp 2009 - 2021 là 1.984 dự án, chiếm 5,7% trong tổng số dự án đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tỷ trọng số dự án vào nông nghiệp chiếm 11,4%, tỷ trọng vốn đăng ký vào nông nghiệp chiếm 15,6% (tính đến 20/12/2021).
Ngoài ra, có hiện tượng chèn ép, thao túng của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước và nông dân. Tồn tại nguy cơ lợi dụng xuất xứ, đầu tư núp bóng tăng lên, có dấu hiệu nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam nhưng chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản, lắp ráp, rồi cho xuất khẩu dưới xuất xứ Việt Nam chứ không đầu tư máy móc hiện đại.
Nguyên nhân do chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; khó tiếp cận đất nông nghiệp với quy mô đủ lớn; dịch vụ logistic hỗ trợ và cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp còn hạn chế.
Đặc biệt, quy định doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp phát triển dự án nông nghiệp tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: “Rất nhiều doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp nhu cầu đầu tiên của họ là đất đủ lớn và đất sạch hoặc là kết hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp trong nước hoặc hợp tác xã để cung cấp nguồn nguyên liệu. Đây là một trong những khó khăn mà rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào doanh nghiệp đặt ra… Tuy nhiên quy định hiện nay không cho phép doanh nghiệp nước ngoài được hợp tác trực tiếp với các hợp tác xã hay người sản xuất”.
Theo ông Phong, để đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp nhà nước cần phải cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ chế chính sách về đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng và logistics ngành nông nghiệp, xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, đổi mới công tác xúc tiến và quản lý đầu tư nông nghiệp.