Các dự án trong lĩnh vực dệt may và công nghiệp hỗ trợ đóng góp quan trọng vào kết quả thu hút FDI các địa phương phía Nam
Ông Mai Văn Nhơn, Phó trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho biết, 9 tháng đầu năm, địa phương này đã thu hút được hơn 2 tỷ USD vốn FDI, gấp đôi kế hoạch năm. Hầu hết các dự án mới được cấp phép đều đúng định hướng thu hút đầu tư của Đồng Nai là các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường…
Cụ thể, cuối tháng 9, tỉnh Đồng Nai đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Kenda Việt Nam (Đài Loan) với tổng vốn 160 triệu USD, xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp Giang Điền. Nhà máy này chuyên sản xuất lốp ô tô, với công suất khoảng 7,5 triệu sản phẩm/năm, chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Trong lĩnh vực dệt may, tháng 4 năm nay, Đồng Nai đã cấp phép cho dự án “khủng” của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai (Thổ Nhĩ Kỳ) với tổng vốn đăng ký 660 triệu USD. Mục tiêu hoạt động của Dự án là sản xuất và gia công các loại sợi như: sợi vải mành, sợi spandex, nylon, polyester, sợi để sản xuất thảm; sản xuất các loại vải bao gồm vải mành, vải dệt; sản xuất sợi thép các loại dùng làm lốp…
Tại TP.HCM, theo ông Trần Việt Hà, Trưởng phòng đầu tư, Ban quản lý Các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), trong 9 tháng đầu năm, Hepza đã thu hút hơn 757 triệu USD vốn đầu tư (kể cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn), đạt 108,24% kế hoạch, tăng 29,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng vốn FDI đạt hơn 514 triệu USD, tăng hơn 69% so với cùng kỳ 2014.
Cũng theo ông Hà, thời gian qua, ngoài các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có quy mô vốn không lớn, Hepza đã tiếp nhận một số dự án điều chỉnh tăng vốn lớn trong lĩnh vực dệt may. Đơn cử, Dự án của Công ty TNHH Worldon Việt Nam (Hồng Kông) đã tăng vốn thêm 160 triệu USD để mở rộng sản xuất, đưa tổng vốn mà doanh nghiệp này đăng ký đầu tư lên 300 triệu USD.
Trong 9 tháng qua, tỉnh Bình Dương đã thu hút gần 1,5 tỷ USD vốn FDI, vượt gần 50% kế hoạch cả năm. Trong đó, có 141 dự án cấp mới với vốn đầu tư 817 triệu USD và 89 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm 660 triệu USD vốn. Đáng chú ý, có một số dự án mới được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có quy mô vốn khá lớn.
Có thể kể đến dự án của Công ty TNHH quốc tế GREAT JD có mục tiêu sản xuất thiết bị thể thao, linh kiện xe tay ga, linh kiện xe đạp…, với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD; hay dự án của Công ty TNHH NPC TODA chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa các loại, có vốn đầu tư 30 triệu USD.
Theo đánh giá của các địa phương, từ nay đến cuối năm và có thể cả trong năm 2016, vốn FDI trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao… sẽ là dòng vốn chủ đạo đóng góp trực tiếp vào kết quả thu hút đầu tư. Lý do là việc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở những vòng cuối. Cùng với đó, các địa phương đã và đang có những động thái tích cực để mời gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao.
Với việc Dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 282 triệu USD, diện tích sử dụng đất hơn 400 ha được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cuối tháng 7/2015, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ có dòng vốn lớn trong lĩnh vực này vào Đồng Nai. Theo đó, ngay sau khi Tập đoàn Amata (Thái Lan), với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp này, sẽ có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư tại đây.
Còn theo ông Nhơn, hiện có một số doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc đang quan tâm đến việc đầu tư tại Đồng Nai. Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp nói trên chưa đầu tư thì các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghệ nghệ cao, dự án thân thiện môi trường… vẫn được tỉnh Đồng Nai mời gọi, thu hút đầu tư trong thời gian tới.