Tín hiệu tốt đầu tư vào tăng trưởng xanh
Cho đến nay, khu vực doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, hay đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP. Trong 2 năm vừa qua, đầu tư cho tăng trưởng xanh đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, từ 10 đến 13%.
Thông tin này được ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ tại Tọa đàm: “Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam”, tổ chức mới đây.
“Đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đối với tăng trưởng xanh là rất lớn. Đây là một trong những tín hiệu rất tốt”, ông Tuấn nhận xét.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI đã giúp tạo nên sự thay đổi hành vi trong việc sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu về tăng trưởng xanh.
“Nếu như trước đây, các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, thì bây giờ, các doanh nghiệp đã biến khó khăn, thách thức thành lợi thế cạnh tranh, góp phần nâng cao hơn nữa hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của mình”, ông Tuấn nói.
Cung cấp thêm số liệu để có cái nhìn so sánh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, tính đến trước năm 2021, những doanh nghiệp FDI vào Việt Nam chỉ có 5% là công nghệ cao, 80% là công nghệ trung bình và 15% công nghệ lạc hậu. Đây là thời kỳ mà theo ông Toàn, Việt Nam thu hút đầu tư FDI bằng mọi giá, chưa quan tâm nhiều đến vấn đề bảo vệ môi trường, chỉ cần có vốn, giải quyết lao động và xuất khẩu.
Sau một thời gian, chúng ta không còn “dễ tính” trong thu hút đầu tư nữa. Định hướng thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực phát triển xanh đã mang lại tín hiệu tích cực, có thể kể đến là các doanh nghiệp công nghệ cao như Lego, Nestlé đã đầu tư vào Việt Nam. “Tôi tin rằng, trong 3 - 4 năm gần đây, chỉ số đó thay đổi rất nhiều. Đặc biệt là sau khi Nghị quyết 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 được ban hành, cách chúng ta xem xét về đầu tư nước ngoài, chọn lọc đầu tư nước ngoài, khuyến khích đầu tư nước ngoài và gần đây là thuế tối thiểu toàn cầu… là một cú hích để thay đổi chiến lược về đầu tư nước ngoài”, ông Toàn nói.
Ông Chris Hogg, Phó chủ tịch, Giám đốc Bền vững và Truyền thông Khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi, Tập đoàn Nestlé cho biết, quá trình sản xuất, xử lý chất thải, hậu cần… tại các nhà máy của Nestlé được giảm thiểu tối đa phát thải carbon. “Hiện 9% sản phẩm đóng gói của chúng tôi có thể tái chế trong tương lai và có thể phân hủy trong vòng 2 năm. Chúng tôi cũng giảm thiểu rác thải nhựa”, ông Chris Hogg thông tin.
Doanh nghiệp cần đưa ra giá trị mới
Cần có cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thay đổi nhận thức và thực hiện hiệu quả việc sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh.
Mặc dù Việt Nam đang được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, nhưng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, tăng trưởng xanh là mục tiêu khó.
Ông Tuấn chia sẻ, đối với khó khăn này, trong suốt thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu trình Chính phủ cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để dần hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ phát triển xanh.
Hiện nay, chúng ta đã có Chiến lược tăng trưởng xanh, có kế hoạch hành động, đồng thời những nội dung này đã lồng ghép trong các quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để thực hiện, nhưng điều đó là chưa đủ.
“Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, đảm bảo rằng khung khổ pháp lý thực sự thuận lợi, có tính khuyến khích. Trong đó, chúng ta cũng tìm ra cơ chế chính sách ưu đãi thiết thực, đúng và trúng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thay đổi nhận thức và thực hiện một cách có hiệu quả trong việc sản xuất, kinh doanh theo hướng xanh”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Dưới góc độ đại diện cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vai trò của doanh nghiệp trong việc triển khai các chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững là rất quan trọng.
Đã đến lúc, cộng đồng doanh nghiệp cần phải nhìn lại, soi mình vào những chiến lược, đặc biệt là chiến lược tăng trưởng xanh, để định vị lại giá trị của mình. Không chỉ là vai trò, mà chính là doanh nghiệp tạo ra những giá trị gia tăng như thế nào trong việc triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Đây là lúc doanh nghiệp cần phải đưa ra những giá trị mới để đáp ứng được những nhu cầu mới, nhu cầu phát triển xanh và bền vững, phát triển bao trùm”, ông Vinh nói.