Vốn FDI chờ đợi động thái chính sách mới

Vốn FDI chờ đợi động thái chính sách mới

(ĐTCK) Những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ trong việc cải thiện, xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thân thiện và thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tái khẳng định tại Hội thảo Đối thoại Chính sách đầu tư 2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với KPMG tổ chức mới đây.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã và đang tập trung nỗ lực để xây dựng một môi trường kinh doanh thân thiện thông qua việc rà soát lại toàn bộ các văn bản pháp luật, giao các bộ ngành cùng cơ quan độc lập xem xét đề xuất loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp; đồng thời nghiêm túc xử lý các hành vi nhũng nhiễu, cản trở doanh nghiệp.

“Đợt rà soát vừa rồi là một cuộc cách mạng của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh, với trọng tâm là tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển để đóng góp cho nền kinh tế”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, thời gian qua, Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế và văn bản luật pháp, với nhiều nghị định được xây dựng nhằm nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ trong lĩnh vực kinh doanh, tích cực rà soát để loại bỏ hơn 3.000 điều kiện kinh doanh không cần thiết, kịp ban hành trước thời điểm 1/7/2016 để hướng dẫn thực hiện hai luật quan trọng là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, góp phần cởi trói và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh thuận lợi, không để khoảng trống pháp lý.

Đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Bộ được Chính phủ giao trọng trách xây dựng dự thảo Luật sửa đổi các luật nhằm điều chỉnh các văn bản pháp luật có quy định không phù hợp với hoạt động kinh doanh và đầu tư nhằm đáp ứng kỳ vọng của các doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi và thân thiện. Dự kiến, dự thảo Luật sẽ được trình Chính phủ trong tháng 8 và Quốc hội xem xét vào tháng 10 tới.

Thừa nhận thời gian qua, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp còn nhiều khoảng cách, Bộ trưởng Dũng cho rằng: “Tư duy quản lý hiện nay tạo rào cản với sự phát triển của doanh nghiệp. Vẫn có hiện tượng nhũng nhiễu, hạch sách doanh nghiệp để trục lợi. Thời gian tới, mối quan hệ này phải được thay đổi theo hướng tạo được sự thân thiện, có hệ thống pháp luật đồng bộ chặt chẽ thì doanh nghiệp mới yên tâm bỏ tiền đầu tư, làm ăn. Tinh thần mới là sự thân thiện và hỗ trợ nhau giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, được ông Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, ví như  như "một cuộc chiến chống lại giấy phép con".

"Tất cả giấy phép con đang hành hạ các doanh nghiệp phải được tận diệt. Cuộc đấu tranh loại bỏ giấy phép con, bỏ điều kiện kinh doanh, như Thủ tướng nói, là từ bỏ lợi ích nhóm để vì sự phát triển doanh nghiệp. Đây là minh chứng cho cuộc đấu tranh đổi mới, nhằm xây dựng nhà nước kiến tạo, thúc đẩy tăng trưởng và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển”, ông Mại khẳng định.

Cũng theo Chủ tịch VAFIE, trước những động thái mạnh mẽ của Chính phủ, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng mạnh, thể hiện ở tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI trong 2 quý đầu năm đăng ký cấp mới và bổ sung là 11,284 tỷ USD, tăng tới 105,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Số vốn giải ngân 6 tháng đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015. Khu vực FDI đã nổi lên với vai trò là động lực tăng trưởng mạnh cho toàn bộ nền kinh tế, góp phần quan trọng vào kết quả chung của nền kinh tế. Đặc biệt, hoạt động đầu tư nước ngoài đã có sự thay đổi về chất, nhiều dự án sau 1 năm khi cấp giấy đăng ký đã đi vào hoạt động.

Ông Mại cho biết, các doanh nghiệp FDI đang rất kỳ vọng vào động thái chính sách mới của Chính phủ Việt Nam.

Đánh giá cao những cải thiện về môi trường đầu tư tại Việt Nam gần đây cùng những lợi thế về sự ổn định chính trị, dân số trẻ, tuy nhiên, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn gặp nhiều khó khăn khi phải đối mặt với những rào cản từ sự yếu kém trong thực thi pháp luật, khó tiếp cận thị trường và thiếu đồng bộ của cơ sở hạ tầng.

“Mặc dù Việt Nam đã có một Nghị định về thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án hợp tác công tư (PPP), song việc thi hành nghị định này vẫn chưa rõ ràng”, bà Hà lấy ví dụ và cho rằng, các rào cản này cần được gỡ bỏ để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nói chung và nhà đầu tư nước ngoài yên tâm bỏ vốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.         

Tin bài liên quan