Vốn dồn dập đổ vào công nghệ giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
Được đánh giá là “mảnh đất màu mỡ”, thị trường công nghệ giáo dục (edtech) Việt Nam đang đón làn sóng đầu tư mạnh mẽ.

Liên tiếp các thương vụ rót tiền vào edtech

Ngày 8/9, start-up Educa (Việt Nam) cho biết vừa hoàn thành vòng gọi vốn series A với số vốn lên tới 14 triệu USD dưới sự dẫn dắt của Jungle Venture và sự tham gia của eWTP Capital, ThinkZone Ventures. Trước đó, Educa từng huy động thành công 2 triệu USD từ Quỹ đầu tư Redefine Capital (Singapore).

Cùng ngày, nền tảng giáo dục trực tuyến Vuihoc cũng nhận được 2 triệu USD trong vòng gọi vốn được dẫn dắt bởi BAce Capital cùng 3 quỹ đầu tư khác, là Vulpes

Ventures, DT&Investment & Colopl Next và Nextrans. Vuihoc dự kiến có thêm một vòng gọi vốn series A vào cuối năm nay và nhắm đến mục tiêu 1 triệu người dùng trả phí vào năm 2024.

Trước đó, tháng 7/2022, nền tảng Azota huy động được 2,4 triệu USD từ GGV Capital, Nextrans và Do Ventures. Chưa đầy một năm sau khi ra mắt, Azota đã có hơn 700.000 giáo viên và 10 triệu học sinh sử dụng. Vào giai đoạn cao điểm, Azota phục vụ hơn 6 triệu người dùng mỗi tháng.

Năm 2021, lĩnh vực edtech bùng nổ. Đầu tư vào edtech trên toàn cầu đạt hơn 30 tỷ USD. Đặc biệt, trong lĩnh vực này có tới 16 kỳ lân.

Tại Việt Nam, năm 2021 cũng là năm edtech nhận vốn kỷ lục, với khoảng 160 triệu USD; hơn 150 sản phẩm, start-up được chào ra công chúng và được đón nhận. Edtech đứng trong top 3 ngành nhận được vốn đầu tư nhiều nhất ở Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, nổi bật là thương vụ Quỹ KKR rót 100 triệu USD vào Tập đoàn giáo dục EQuest Việt Nam. Cùng với đó là hàng loạt thương vụ như: Clevai huy động 2,1 triệu USD; CoderSchool “hút” 2,6 triệu USD; Marathon gọi được 1,5 triệu USD; Manabie nhận vốn đầu tư 3 triệu USD…

Thị trường sẽ có “cuộc thanh lọc”

Theo thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng 24 triệu học sinh, sinh viên; 30.000 trường học và 10.000 cơ sở đào tạo; 1,4 triệu giáo viên và hơn 90% học sinh sử dụng điện thoại di động, máy tính hoặc laptop để phục vụ học tập. Bên cạnh đó, có 51 triệu người đi làm và có nhu cầu đào tạo, nâng cao năng lực làm việc; hơn 2 triệu người đang tham gia các chương trình học qua mạng.

Ông Nguyễn Trí Hiển, Chủ tịch Edtech Agency nhận định, hiện nay, thị trường edtech ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn hoàn toàn mới, hầu hết mọi người đều biết đến e-learning (đào tạo trực tuyến) và sẵn sàng chi tiền cho việc này. Tổng giá trị thị trường giáo dục Việt Nam giai đoạn hiện tại ước tính khoảng 30 tỷ USD, từ việc Chính phủ hỗ trợ, người dân chi trả cho đào tạo ở trong nước và du học nước ngoài. Riêng với edtech, tổng giá trị thị trường sẵn sàng chi trả khoảng 3,5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 4%/năm và đang có nhiều dư địa phát triển các nền tảng công nghệ giáo dục.

“Tuy nhiên, để các sản phẩm của Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ, các nhà quản lý cần xem xét tạo hành lang hỗ trợ về mặt chính sách, định hướng phát triển cho nền giáo dục nói chung và các nền tảng công nghệ giáo dục nói riêng”, ông Hiển đề xuất.

Ngoài ra, Chủ tịch Edtech Agency cũng kỳ vọng, thời gian sắp tới, sẽ có start-up Việt trong lĩnh vực edtech trở thành kỳ lân. Để làm được điều đó, các nhà hoạch định chính sách có thể hướng dẫn, hỗ trợ các start-up, giúp họ lựa chọn nên đi vào thị trường ngách nào để có thể tạo ra đột biến về sản phẩm.

Từ kinh nghiệm đầu tư thực tế, ông Vương Nhật Anh (Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures) chia sẻ: “Khi tiếp xúc với các doanh nghiệp, tôi thấy rằng, khoảng trống cho doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này còn rất lớn. Start-up không cần nghĩ đến công nghệ quá cao siêu như trí tuệ nhân tạo, blockchain…, mà nên quan tâm tới mức độ ứng dụng vào thực tế và mang lại giá trị cho người dùng. Có nhiều vấn đề mà nếu start-up giải quyết được, thì sẽ mang lại hiệu quả lớn, như giải pháp quản lý học sinh, phụ huynh, đo lường khả năng học tập, đánh giá tiến bộ hay thiết kế lộ trình theo hướng cá nhân hóa…”.

Một thách thức lớn đối với start-up và cũng là vấn đề được nhà đầu tư rất quan tâm là đang có quá nhiều sản phẩm, dự án cung cấp ra thị trường. Cùng với đó là sự gia nhập của nhiều start-up, ứng dụng từ nước ngoài, khiến mức độ cạnh tranh trên thị trường edtech rất khốc liệt.

Ông Đỗ Ngọc Lâm, CEO Vuihoc nhấn mạnh, với lĩnh vực edtech sẽ không thể có chuyện một start-up nước ngoài chiếm được thị trường như cách mà Shopee, Grab đã làm. Một start-up nước ngoài khó có thể hiểu được suy nghĩ, nếp nghĩ của người Việt như những người đã sinh trưởng và hưởng thụ nền giáo dục ở trong nước. Giáo dục mang tính cá nhân hóa rất cao, nên gần như không có giải pháp giáo dục nào phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi gia đình, phụ huynh có nhu cầu khác nhau trong nuôi dạy con cái. Bởi vậy, thị phần lớn nhất mà một start-up có thể nắm là khoảng 35%.

“Ba năm tới sẽ là giai đoạn cực kỳ quan trọng để một vài start-up có thể trở thành người dẫn dắt toàn thị trường và chiếm được miếng bánh thị phần lớn”, ông Lâm nhận định.

Trong khi đó, ông Đỗ Văn Nhẫn, Giám đốc Chiến lược của ClassIn Việt Nam dự báo, trong 1 - 2 năm tới, các đơn vị không đạt chất lượng tốt sẽ phải đóng cửa. Những start-up có chất lượng tốt sẽ nổi lên và thống lĩnh thị trường. Cuộc thanh lọc này sẽ có lợi cho thị trường về lâu dài.

Theo ông Nhẫn, để giành được thị phần tiềm năng này, start-up phải có 2 năng lực là tuyển sinh với chi phí thấp nhất và giữ chân học sinh ở lại. Thị trường đã qua giai đoạn “đốt tiền” để lấy tăng trưởng, chỉ những start-up có chương trình giáo dục tốt, giúp học sinh cải thiện chất lượng học tập mới có thể tồn tại và phát triển tốt.

Có thể thấy, edtech là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà đầu tư, nhưng cũng là lĩnh vực nhiều thách thức, bởi đây là cuộc chơi dài hạn, bền bỉ, đòi hỏi vốn đầu tư, công nghệ, quản trị tốt, trong khi đó, nhu cầu thị trường đang phân mảnh và ngày càng đa dạng.

Tin bài liên quan