Vốn đổ vào bất động sản: Tín dụng ngân hàng chỉ ngang ngửa trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
Tín dụng bất động sản 2 tháng đầu năm tăng 2,19%, tức có thêm 20.000 tỷ đồng tín dụng rót vào lĩnh vực này. Trong khi đó, nguồn vốn huy động từ trái phiếu của doanh nghiệp 3 tháng là hơn 26.000 tỷ đồng.
Vốn đổ vào bất động sản: Tín dụng ngân hàng chỉ ngang ngửa trái phiếu

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28/3/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Riêng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực bất động sản tính đến cuối tháng 2/2023 đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng; tăng 2,19% so với cuối năm 2022 (2,58 triệu tỷ đồng). Chưa có số liệu tín dụng bất động sản 3 tháng đầu năm, song với tốc độ tăng trưởng tiếp tục duy trì như hiện nay, tín dụng bất động sản 3 tháng đầu năm không hơn quá nhiều so với dư nợ trái phiếu bất động sản phát hành mới. Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp 3 tháng đầu năm (tính tới 24/3) đạt hơn 26.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, đây vẫn là kênh huy động vốn vô cùng quan trọng với doanh nghiệp bất động sản.

Dù vậy, điều đáng lưu ý là, trong cơ cấu dư nợ tín dụng bất động sản 2 tháng đầu năm, dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 6,45% chiếm tỷ trọng 33%; dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 0,25% chiếm tỷ trọng 67%. Như vậy, tín dụng bất động sản 3 tháng đầu năm tăng chậm chủ yếu là do cầu tín dụng tiêu dùng (vay mua nhà) hầu như không tăng do lãi suất cao, trong khi nhu cầu vay của doanh nghiệp bất động sản vẫn rất lớn.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng 3 tháng đầu năm tăng chậm do cầu nền kinh tế yếu. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Riêng với tín dụng bất động sản, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đang hoàn thiện và sẽ có văn bản chính thức về cơ chế triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở công nhân. Cơ chế hướng dẫn gói vay này dự kiến sẽ ban hành đầu tháng 4/2023. Đây là gói vay thương mại do 4 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank là lực lượng chủ lực triển khai từ nguồn vốn của chính ngân hàng.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đối tượng thụ hưởng gói tín dụng này dành cho cả chủ đầu tư và người mua NƠXH, nhà ở công nhân. Các dự án được vay vốn thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố và bảo đảm theo quy định của pháp luật hiện hành. Về phía người mua nhà, để được vay vốn cần đáp ứng các điều kiện về mua NƠXH, đáp ứng điều kiện vay vốn theo quy định của 9ngân hàng thương mại, trên tinh thần tạo điều kiện thông thoáng nhất.

Bà Hà Thu Giang cũng cho biết gói tín dụng này sẽ dừng triển khai khi con số giải ngân đạt 120.000 tỷ đồng và không quá ngày 31/12/2030. Về lãi suất, đối với chủ đầu tư, sẽ thấp hơn lãi suất bình quân trung, dài hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường khoảng 1,5%; đối với người mua nhà, lãi suất thấp hơn 2%. Trong năm 2023, mức lãi suất dự kiến đối với chủ đầu tư là 8,7%/năm, đối với người mua NƠXH là 8,2%/năm. Định kỳ 6 tháng/lần, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố lãi suất cho vay của gói tín dụng này. Chủ đầu tư sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi trong 3 năm, còn người mua nhà là 5 năm.

Tin bài liên quan