Dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi thị trường mới nổi
Kể từ đầu năm 2020, thị trường mới nổi chứng kiến dòng vốn đầu tư gián tiếp tháo chạy ở mức độ kỷ lục, lớn hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào gần đây. Sự kết hợp giữa cú sốc giá dầu giảm và đại dịch Covid-19 đã khiến nhà đầu tư nước ngoài rút khoảng 83 tỷ USD tính riêng trong tháng 3.
Tính từ đầu năm tới đầu tháng 4, số liệu theo dõi thường xuyên của Viện Nghiên cứu tài chính quốc tế (IIF) cho thấy, 71 tỷ USD đã bị rút ra khỏi thị trường chứng khoán và 25 tỷ USD tại thị trường tài sản nợ ở các nền kinh tế mới nổi. Trong đó, khu vực châu Á chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất, tiếp theo là các khu vực khác theo đà lan rộng của đại dịch.
Các nhà kinh tế Elina Ribakova, Benjamin Hilgenstock, Jonathan Fortuntại IIF dự báo, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bắt đầu hồi phục trong nửa cuối năm 2020, khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.
Mặc dù vậy, dòng vốn nước ngoài chảy vào các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) vẫn ở mức âm trong năm nay. Dòng tiền đầu tư gián tiếp nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán được dự báo sẽ giảm mạnh so với các năm 2018, 2019. Thêm vào đó, mức độ phục hồi sẽ chậm chạp, bởi tăng trưởng kinh tế tại các khu vực này cũng chịu tác động tiêu cực từ đại dịch.
IIF ước tính, dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào các thị trường mới nổi trong năm 2020 sẽ ở mức 444 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với con số 937 tỷ USD năm 2019. Tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các thị trường mới nổi (ngoại trừ Trung Quốc) sẽ vào khoảng 304 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2004.
Dòng vốn gián tiếp nước ngoài rút khỏi các thị trường mới nổi mạnh hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào gần đây.
Tại Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 14 tuần liên tiếp, với giá trị lên tới hơn 17.000 tỷ đồng, nhiều nhất trong lịch sử 20 năm của thị trường chứng khoán.
Trong tháng 4, khối ngoại bán ròng 1.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ rơi vào tình cảnh ế ẩm, dù lãi suất các kỳ hạn đều tăng.
Dưới sự tác động của dịch Covid-19, quy mô của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) cũng bị thu hẹp.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong quý I/2020, giá trị dòng vốn ETF rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên tại khu vực Đông Nam Á đạt 283 triệu USD, chiếm khoảng 3,7% so với tổng giá trị bán ròng của khối ngoại tại các thị trường này.
Dù giá trị dòng vốn ETF rút khỏi Việt Nam chỉ đứng thứ 4 trong 5 thị trường, tuy nhiên, tỷ lệ giá trị dòng vốn ETF so với giá trị bán ròng của khối ngoại lại đứng đầu khu vực, đạt mức 10,3%.
Điều này có thể lý giải bởi ETF là sản phẩm đầu tư đã thu hút được dòng vốn lớn đổ vào Việt Nam trong giai đoạn trước đây.
Đường về còn xa?
Các nhận định của giới chuyên gia về xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 5 và dài hạn cùng chung quan điểm, dù thị trường đã hồi phục tích cực sau đợt bán tháo hoảng loạn trong tháng 3 vì đại dịch, nhưng lực đẩy chủ yếu xuất phát từ nhóm nhà đầu tư cá nhân, trong khi nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức trong nước, tự doanh công ty chứng khoán đều bán ròng.
Nếu không có sự hợp sức cùng dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nhà đầu tư ngoại, đà tăng của thị trường khó giữ vững.
Vậy bao giờ nhà đầu tư nước ngoài mới hết bán ròng và quay trở lại với thị trường Việt Nam, nhất là khi các lệnh giãn cách xã hội đang dần được nới lỏng, đưa hoạt động kinh tế về trạng thái bình thường?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Shamoon Tariq, Giám đốc đầu tư Tundra Fonder AB cho biết, làn sóng rút vốn khỏi các tài sản đầu tư diễn ra trên toàn cầu, nhất là tại các thị trường mới nổi, bởi nhà đầu tư chuyển từ các tài sản nhiều rủi ro sang trú ẩn an toàn.
Tuy nhiên, trong thế giới hậu Covid-19, Việt Nam sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam khi đà lây nhiễm chậm lại, hoặc dịch bệnh đã được kiểm soát/có phương pháp chữa trị.
Thực tế, khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch được nhiều tổ chức kinh tế đánh giá cao.
Theo WB, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và mức xếp hạng “ổn định” của Fitch đưa ra gần đây khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh trong trung hạn của Việt Nam, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.
Trong khi đó, theo đánh giá của những người đứng đầu VinaCapital, tăng trưởng kinh tế Việt Nam và sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở vị thế vững vàng hậu đại dịch, giúp tính hấp dẫn bấy lâu được giữ vững.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu bật tăng kể từ tháng 4/2020, bởi Việt Nam được nhận định là điểm đến hứa hẹn trong làn sóng dịch chuyển/đa dạng hóa hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc bắt đầu.
Dịch Covid-19 diễn ra cũng là chất xúc tác khiến các tập đoàn đa quốc gia nhận thấy tính cấp bách của việc đa dạng nguồn hàng, hoạt động sản xuất…
Trong khi đó, Việt Nam nổi lên là quốc gia có khả năng ứng phó với đại dịch một cách tích cực, khả năng phục hồi của nền kinh tế là khá rõ ràng.
Tuy nhiên, với dòng vốn gián tiếp, để sức hấp dẫn của Việt Nam gia tăng, cần thêm thông điệp giữ chân và lôi kéo dòng vốn ngoại trở lại.
Về câu chuyện tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn, ông Shamoon Tariq nhận định, thị trường chứng khoán sẽ không thể dựa 100% vào tăng trưởng kinh tế, bởi thị trường vẫn tồn tại một số vấn đề khiến sức hút suy giảm.
Trong đó, phải kể tới việc thiếu các cổ phiếu đáng giá để đầu tư; thanh khoản kém vì ít cổ phiếu hấp dẫn; bị chi phối bởi nhóm cổ phiếu bất động sản và tài chính đắt đỏ, trong khi thiếu các đại diện từ nhóm công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng; quá trình cải tổ thị trường diễn ra chậm.
Việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp là cấp thiết, bởi đây là nguồn lực rất lớn để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp trong nước, đưa những doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận đến nguồn vốn dồi dào kèm theo các điều kiện nâng chuẩn công bố thông tin, yêu cầu minh bạch hóa và hàng loạt các chuẩn mực quốc tế khác.
Bên cạnh đó, thực tế tại thị trường tài chính và thị trường chứng khoán cho thấy, sự tham gia của các tổ chức và quỹ đầu tư quốc tế đã đẩy tính thanh khoản, chiều sâu thị trường, tính hiệu quả cùng các yêu cầu chuẩn mực lên cao và nhanh chóng.