Cầu đầu ra suy giảm khiến gánh nợ vay của doanh nghiệp thêm nặng

Cầu đầu ra suy giảm khiến gánh nợ vay của doanh nghiệp thêm nặng

Vốn đắt và gánh nặng nợ vay của doanh nghiệp niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sản xuất - kinh doanh khó khăn hơn do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, trong khi chi phí đi vay ngày một đắt đỏ đang là bài toán lớn của nhiều doanh nghiệp.

Qua thời tiền rẻ

Khi không còn xem lạm phát là tạm thời, các ngân hàng trung ương, đứng đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tăng lãi suất điều hành. Với việc mặt bằng lãi suất tăng trên toàn cầu, thời kỳ tiền rẻ từ những năm 2008 đã chính thức kết thúc. Thế giới bước vào giai đoạn lãi suất cao, đồng nghĩa chi phí vay tăng cao và các quốc gia nói chung, cũng như những doanh nghiệp nói riêng sử dụng nợ vay lớn gặp nhiều khó khăn hơn.

Trong thập kỷ qua, lãi suất thấp khiến cho việc đi vay trở nên dễ dàng và tình trạng vỡ nợ trên quy mô lớn rất hiếm khi xảy ra, đến nỗi nhiều doanh nghiệp đã đi vay đến mức vượt quá khả năng chi trả của mình. Giờ đây, khi chi phí đi vay tăng lên, họ buộc phải thay đổi, bắt đầu từ các doanh nghiệp yếu kém dễ bị tổn thương nhất đối với các chủ nợ.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, nhiều công ty thâm hụt dòng tiền kéo dài trong nhiều năm nhưng vẫn tăng quy mô sử dụng nợ vay. Thị trường bắt đầu xuất hiện một số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán lãi trái phiếu. Trong đó, Angimex (mã AGM) là doanh nghiệp niêm yết liên tiếp thông báo mất khả năng thanh toán lãi hai lô trái phiếu với tổng mệnh giá 650 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng có hiện tượng tương tự khi hoãn, giãn và thay thế phương án trả lãi cho trái chủ bằng bất động sản.

Nợ vay lớn, gánh nặng của nhiều doanh nghiệp

Thống kê danh sách 21 doanh nghiệp trên sàn HOSE có tỷ lệ tổng nợ vay trên vốn chủ sở hữu lớn, dao động từ 144,9 - 310,9%. Trong đó, HAGL Agrico (mã HNG) đang có tổng nợ vay 6.865,3 tỷ đồng, bằng 310,9% vốn chủ sở hữu, bao gồm 5.363,4 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.501,9 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Nhiều năm trở lại đây, HAGL Agrico liên tục có hoạt động kinh doanh lao dốc. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty tiếp tục lỗ thêm 1.085,8 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế tới 30/9 lên mức 4.512,8 tỷ đồng, bằng 40,7% tổng nguồn vốn.

Tính tới 30/9/2022, HAGL Agrico đang ghi nhận nợ ngắn hạn là 7.254 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 3.035,5 tỷ đồng. Như vậy, Công ty đang sử dụng 4.218,5 tỷ đồng nợ ngắn hạn để tài trợ cho tài sản dài hạn, điều này cho thấy sự mất cân đối kỳ hạn khi sử dụng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho tài sản dài hạn.

Tại Petrosetco (mã PET), tính tới 30/9/2022, đơn vị này có tổng nợ vay 4.537,7 tỷ đồng, bằng 220,8% tổng nguồn vốn. Trong đó, Công ty sử dụng 4.445,3 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Trong báo cáo phân tích mới đây về ngành bán lẻ, Chứng khoán Rồng Việt cho biết, trong bối cảnh kinh tế suy thoái và chính sách tiền tệ thắt chặt, ngân sách hộ gia đình bị thu hẹp có thể gây áp lực lên nhu cầu tiêu dùng và làn sóng cắt giảm việc làm ở các ngành thâm dụng lao động sẽ tác động tiêu cực đến một số nhà bán lẻ hiện đại trong năm 2023. Đây là rủi ro của Công ty trong bối cảnh nợ vay lớn.

Đặc biệt, tại CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (mã CII), tính tới 30/9/2022, đơn vị này ghi nhận tổng nợ 15.329,3 tỷ đồng, bằng 183,3% tổng nguồn vốn. Trong đó, Công ty sử dụng 5.875,1 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 9.454,2 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Theo lịch thanh toán tính tới 30/9/2022, CII sẽ phải trả 3.715,8 tỷ đồng trong vòng 1 năm, phải trả 2.163,1 tỷ đồng trong năm thứ 2, phải trả 3.474,4 tỷ đồng trong năm thứ 3-5 và 3.849,8 tỷ đồng sau năm thứ 5.

Thống kê từ iBoard của Chứng khoán SSI, từ năm 2012 đến 9 tháng đầu năm 2022, CII ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 3.208,1 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty ghi nhận dòng tiền đầu tư âm 9.958,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 12.761,7 tỷ đồng. Như vậy, Công ty liên tục phát hành cổ phiếu và tăng vay nợ để bù đắp mô hình thâm hụt vốn và mở rộng đầu tư. Có thể thấy, áp lực trả nợ vay đáo hạn tới gần nhưng quỹ tiền mặt hạn chế và mô hình thâm hụt vốn kéo dài là bài toán lớn của CII trong môi trường chi phí vốn ngày một đắt đỏ, hoạt động phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn.

Tin bài liên quan