Trong vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới, ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất vẫn là kinh doanh bất động sản với 282.100 tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng số vốn đăng ký; tiếp đó là các ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy với 146.678 tỷ đồng, chiếm 15,2%; xây dựng có 134.011 tỷ đồng, chiếm 13,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo có 107.112 tỷ đồng, chiếm 11,1%.
Xét về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, một số ngành có tỷ trọng cao như sản xuất, phân phối điện, nước, gas đạt 57,4 tỷ đồng/doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản đạt 56,8 tỷ đồng/doanh nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 18,8 tỷ đồng/doanh nghiệp; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 18,7 tỷ đồng/doanh nghiệp.
Xét về nhóm quy mô vốn, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất ở nhóm quy mô vốn từ 50 - 100 tỷ đồng và thấp nhất là ở nhóm quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng có tỷ lệ tăng cao nhất về số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn với 69,5%, đồng thời tỷ lệ tăng số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể của nhóm này cũng ở mức cao lần lượt là 66,3% và 33,3%; trong khi đó, tỷ lệ tăng về số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể ở nhóm doanh nghiệp có quy mô vốn từ 0 - 10 tỷ đồng ở mức thấp hơn.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đây là diễn biến đáng lưu ý, bởi thông thường, số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, ngừng kinh doanh và giải thể tỷ lệ nghịch với quy mô vốn do doanh nghiệp lớn thường có sức đề kháng với khó khăn và năng lực hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp nhỏ.