Vốn cuối năm: Ưu đãi nhiều, giải ngân khó

Vốn cuối năm: Ưu đãi nhiều, giải ngân khó

(ĐTCK) Để đón đầu mùa kinh doanh cuối năm, các nhà băng đang triển khai nhiều ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng, song giải ngân vẫn chậm. Theo các nhà băng, sức cầu thị trường suy yếu, tồn kho tăng khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng khó đạt được mục đích kỳ vọng.

Vốn cuối năm: Ưu đãi nhiều, giải ngân khó ảnh 1Nhu cầu vốn hiện nay vẫn có, song ngân hàng phải chọn lọc kỹ khách hàng để trao vốn

 

Trao đổi với ĐTCK, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, trước thời điểm mùa vụ kinh doanh cuối năm, nhu cầu vốn của các nhà sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu gia tăng, nhưng không cao như các năm trước. Sacombank cũng thận trọng trong việc hỗ trợ vốn cho DN, nhằm hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu gia tăng.

Vì thế, theo ông Khang, tăng trưởng tín dụng của Sacombank đến thời điểm này chỉ đạt khoảng 8% so với đầu năm, trong khi chỉ tiêu tăng trưởng nhận được cả năm là 17%.

Phó tổng giám đốc OCB Phạm Linh cho hay, nhu cầu vốn của DN hiện nay vẫn có, song Ngân hàng cũng phải chọn lọc kỹ khách hàng trước khi trao vốn, đồng thời, kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. OCB hiện đang triển khai các sản phẩm chủ đạo gồm: cho vay ngành nhựa, kinh doanh gạo, café; cho vay phụ nữ kinh doanh; tài trợ vốn cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả… Với lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản, có nhu cầu lớn về vốn, OCB đang ưu tiên cấp tín dụng cả tiền đồng và ngoại tệ. Hiện lãi suất cho vay ngoại tệ được Ngân hàng áp dụng 5,5 - 6%/năm.

Cũng theo ông Linh, so với cùng kỳ các năm trước, nhu cầu vốn của DN hiện nay cũng thận trọng hơn, cho dù lãi suất đã được cắt giảm. Nhiều DN có nhu cầu vay vốn nhưng dự án kinh doanh thiếu khả thi nên Ngân hàng không thể cấp tín dụng. Ngược lại, có những DN có dự án kinh doanh tốt, nhưng chưa muốn sử dụng vốn vay nhiều để tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất trước bối cảnh hiện nay. Vì thế, 9 tháng đầu năm, OCB chưa thực hiện hết phân nửa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng nhận được cho cả năm là 15%.

Theo lãnh đạo OCB, để tiếp cận được nguồn tín dụng của Ngân hàng, DN cần tập trung vào các yếu tố nâng cao năng suất lao động, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cấp năng lực quản trị, quan tâm đến hoạt động kinh doanh cốt lõi…

Để kích thích tăng trưởng dư nợ tín dụng trong những tháng cuối năm, hầu hết ngân hàng đang ra sức tiếp thị vốn và ưu đãi dần lãi suất cho vay. Lãi suất cho vay tiền đồng đã hình thành mặt bằng mới, với mức thấp nhất 9%/năm.

Lãnh đạo HDBank cho biết, Ngân hàng sẵn sàng cơ cấu lại các khoản nợ cho DN có dòng tiền chưa khớp. Lãi suất đã giảm về 15%/năm. Với khách hàng thuộc 4 nhóm tín dụng ưu tiên, lãi suất cho vay chỉ còn 13%/năm, thậm chí, có một số khách hàng trong lĩnh vực xuất khẩu được hưởng lãi suất 11 -12%/năm.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của HDBank, hiện lãi suất không còn là tất cả đối với các DN, mà quan trọng hơn vẫn là sức cầu của thị trường vẫn yếu, hàng tồn kho chưa có dấu hiệu giảm. Do vậy, DN chưa thể đẩy mạnh hoạt động sản xuất- kinh doanh, khiến nhu cầu về vốn khó tăng, còn phía ngân hàng cũng thận trọng trong việc cung ứng tín dụng.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 20/9/2012, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 2,35% so với cuối năm 2011. Với đà tăng này, dự báo, tăng trưởng tín dụng cả năm nay chỉ đạt khoảng 5%, bằng một nửa mục tiêu đề ra là 8 - 10%.      

Nợ xấu đang là rào cản đối với dòng chảy tín dụng

TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Vốn cuối năm: Ưu đãi nhiều, giải ngân khó ảnh 2
Lạm phát giảm, CPI giảm, nhưng điều lo lắng nhất hiện nay chính là giảm tổng cầu, niềm tin thị trường đã giảm sút. Mặc dù lãi suất đã giảm, nhưng nền kinh tế có hấp thụ được vốn hay không mới là quan trọng. Nợ xấu đang là rào cản lớn đối với dòng chảy tín dụng. Đây là cục “máu đông” khiến tiền đưa ra không về lại được.

Theo tôi, trong thời gian ngắn, khó có thể phá được vòng luẩn quẩn, tăng nợ xấu không vay được tiền, không trả nợ được thì nợ xấu lại tăng… Vì thế, trước mắt, tự thân ngân hàng phải lập quỹ dự phòng rủi ro nợ xấu, không để tình trạng lời giả lỗ thật. Còn NHNN cần có sự chỉ đạo chuẩn về tín dụng, cho phép NHTM chủ động hơn trong việc khoanh nợ. CPI trong những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại; lãi suất khó có thể giảm sâu hơn. Dư nợ tín dụng cả năm nhiều khả năng sẽ tăng từ 8 - 10% như NHNN đã tuyên bố trước đây.

 

DN vẫn chưa tạo được niềm tin với ngân hàng

Ông Phạm Thiện Long,  Phó giám đốc Ngân hàng Phát triển nhà TP. HCM (HDBank)

Vốn cuối năm: Ưu đãi nhiều, giải ngân khó ảnh 3
Hiện DN thiếu tài sản đảm bảo, nhưng Ngân hàng không khăng khăng đòi hỏi DN phải có bất động sản đảm bảo mà có thể cầm cố bằng hàng tồn kho. Nhưng DN phải có mức tiêu thụ nhất định thì mới có thể cho vay tín chấp… Đồng thời, Ngân hàng cũng cần hiểu rõ bản chất của DN vay vốn để làm gì, sử dụng nguồn vốn đó ra sao cho hiệu quả.

Để tiếp cận được vốn vay, DN cần minh bạch và công khai những khó khăn của mình, chứ không nên che giấu. Nhưng thực tế, DN vẫn chưa tạo được niềm tin ở ngân hàng, thông tin DN cung cấp chưa minh bạch.

 

Để tiếp cận vốn ngân hàng, DN cần phải minh bạch

Ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng DN TP. HCM

Vốn cuối năm: Ưu đãi nhiều, giải ngân khó ảnh 4
Việc có tiếp cận được nguồn vốn vay hay không, theo tôi, phần lớn do phía DN. Việc thiếu minh bạch thông tin tài chính, sử dụng vốn sai mục đích, khiến ngân hàng khi trao vốn cho DN phải rất thận trọng.

Tại Quỹ bảo lãnh tín dụng TP.HCM, chúng tôi chọn lọc những DN có uy tín và có khả năng trả nợ cao mới bảo lãnh, chứ không thể làm bừa bãi, dù vốn bảo lãnh hiện nay còn khiêm tốn. Vì thế, các DN cần phải minh bạch và sử dụng vốn đúng mục đích khi vay.