Vốn chính sách tiếp sức chống đại dịch

Vốn chính sách tiếp sức chống đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Câu chuyện Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cùng cả nước chống dịch Covid-19 cho thấy sự trưởng thành và phát triển vượt bậc trong hành trình 19 năm xây dựng và phát triển.

Hiệu ứng từ một chính sách

Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP. Hà Nội Phạm Văn Quyết chia sẻ, đối tượng khách hàng của Ngân hàng vốn là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người yếu thế trong xã hội, khả năng chống đỡ rủi ro thấp, nên khi bị tác động, họ là những người bị tổn thương sớm nhất và sâu nhất.

Đặc biệt, dịch Covid-19 vừa qua, tình hình sản xuất - kinh doanh bị đình đốn, thu nhập giảm, thậm chí còn ảnh hưởng các khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình, triệt tiêu khoản tiết kiệm vốn đã ít ỏi.

Khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tương đối, người dân bắt đầu có thể quay lại để tổ chức sản xuất - kinh doanh, thì vấn đề đầu tiên và cũng là khó khăn lớn nhất họ gặp phải đó chính là vốn.

Xác định việc cho vay hỗ trợ người dân tổ chức phục hồi lại tình hình sản xuất - kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, nên ngay sau khi Thành ủy và UBND TP. Hà Nội giao cho Chi nhánh triển khai giải ngân gói 500 tỷ đồng để cho người dân vay vốn khắc phục khó khăn do Covid-19 (ngày 30/9/2021), Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức bình xét, rà soát hộ vay theo đúng thứ tự ưu tiên của Thành phố về đối tượng được vay vốn, ngành nghề vay vốn.

Đồng thời, khẩn trương tổ chức việc hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân đến khách hàng một cách sớm nhất, giúp bà con có nguồn vốn để tổ chức lại hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Mặc dù mức vay chỉ 50 triệu đồng, thời hạn 2 năm có thể là ít so với nhu cầu thực tế, nhưng trong bối cảnh nhà nhà cần vốn sản xuất, nguồn vốn ủy thác này đặc biệt được người dân quý trọng và đón nhận.

Như gia đình chị Đỗ Thị Mai Hương, 38 tuổi ở thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn mới vừa đi làm được 6 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, công ty gặp khó khăn, chị phải kết thúc hợp đồng lao động.

Nghỉ ở nhà hơn 2 tháng, không có thu nhập, cuộc sống gia đình đành phải tằn tiện. Lúc ấy, chị suy nghĩ quyết tâm không đi làm công nhân nữa, ở nhà chăn nuôi lợn, gà, bò, trâu, bò, tăng gia sản xuất.

Tuy nhiên, sau thời điểm Covid-19, ai cũng khó khăn, nên chuyện vay mượn bà con họ hàng để mở rộng sản xuất là điều không khả thi.

Không có vốn, với quy mô chăn nuôi hiện tại khó có thể đảm bảo thu nhập và trang trải trong gia đình. Thế nên, được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ phục hồi sản xuất - kinh doanh đúng thời điểm giúp chị đầu tư thêm một cặp bò nái, bò giống, vừa đa dạng hóa mô hình chăn nuôi, ổn định cuộc sống trong tương lai.

Đây chỉ là một phần câu chuyện cùng cả nước chống dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội. Được biết, từ năm 2020 đến nay, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền trên 47 tỷ đồng. Riêng năm 2021, đã hỗ trợ trên 40,7 tỷ đồng cho các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh để mua dụng cụ, thiết bị y tế, vắc-xin, nhu yếu phẩm.

Những bước đi vững chãi

Ngày mới thành lập, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ thực hiện 3 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên với nguồn lực hạn hẹp.

8 năm đầu thành lập, Ngân hàng Chính sách xã hội đã đề xuất, triển khai nhiều giải pháp tăng trưởng nguồn vốn, từng bước huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào thực hiện chương trình giảm nghèo, công tác an sinh xã hội.

Đến năm 2010, Ngân hàng đã cho vay tới 18 chương trình tín dụng dựa trên nền tảng của 3 chương trình tín dụng ban đầu, phủ kín nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội.

Theo đó, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bộ phận dân cư có mức sống thấp hơn, điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn so với mặt bằng chung của nền kinh tế, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ vì sự phát triển cân đối của nền kinh tế và sự ổn định xã hội.

Bước vào chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2011 - 2020 với những thách thức mới cho công cuộc giảm nghèo, đòi hỏi tín dụng chính sách phải có những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa.

Theo đó, Chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2011 - 2020 tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, không chỉ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mà còn góp phần thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020; Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Tiếp theo thành quả đã đạt được, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục kết nối cả hệ thống chính trị xã hội tham gia triển khai thực thi các chính sách tín dụng xã hội, mà việc Ngân hàng Chính sách xã hội tham mưu chính sách để Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được xem là một bước đột phá lớn.

Gánh nặng triển khai chính sách của Chính phủ, đặc biệt là nguồn vốn đã được sẻ chia khi “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”; “Trung ương và địa phương cùng làm”.

Tính bền vững của nguồn vốn và năng lực tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội thêm mạnh khi năm 2017, lần đầu tiên Ngân hàng được bố trí vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp đó là những bước chuyển lớn, nhận nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương từ năm 2014…

Những con số biết nói

Ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, tính đến ngày 30/9/2021, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 254.356 tỷ đồng, tăng 20.811 tỷ đồng so với năm 2020.

Nguồn vốn ủy thác từ địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay đối với các đối tượng chính sách xã hội đạt 24.375 tỷ đồng, tăng 4.060 tỷ đồng so với năm 2020.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 242.292 tỷ đồng, tăng 16.095 tỷ đồng so với cuối năm 2020 với trên 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 207.218 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch năm.

Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống giải ngân cho 921 lượt người sử dụng lao động với số tiền là 462 tỷ đồng, để trả lương cho 130.990 lượt người lao động.

Tổng doanh số cho vay trong 9 tháng 2021 đạt 61.233 tỷ đồng, với trên 1,5 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho gần 337.000 lao động; giúp gần 16.700 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 5.200 căn nhà ở cho hộ nghèo, nhà tránh lũ và nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ...

Bên cạnh tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách, chất lượng nợ tiếp tục được duy trì ổn định. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,7% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm 0,25%.

Đánh giá cao những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng, trong những tháng cuối năm 2021, bên cạnh việc triển khai các kế hoạch đã đặt ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục tập trung phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình thiên tai xảy ra ở các địa phương, thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây ra để triển khai các giải pháp khắc phục, kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh.

“Ban điều hành cần nghiên cứu, khảo sát và đề xuất giải pháp hỗ trợ lao động hồi hương hậu Covid-19”, bà Hồng nhấn mạnh.

Tin bài liên quan