Hoạt động mua bán dự án trên thị trường bất động sản từ đầu năm 2014 diễn ra rất sôi động

Hoạt động mua bán dự án trên thị trường bất động sản từ đầu năm 2014 diễn ra rất sôi động

Vốn chảy mạnh vào bất động sản

(ĐTCK) Một dòng vốn lớn có giá trị hàng tỷ USD đã và đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước công bố bơm vào thị trường bất động sản từ đầu năm đến nay. Theo giới chuyên môn, thị trường bất động sản đang thực sự có hấp lực mới với các nhà đầu tư.

Vốn ngoại chảy mạnh

Sau thời gian mua lại các dự án, cuối tuần qua, CTCP Tổ chức Nhà quốc gia (N.H.O) - liên doanh giữa CTCP TAG và Công ty TNHH NIBC Investment đã chính thức công bố 14 dự án tại TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Huế, Quảng Ngãi và An Giang, với tổng vốn đầu tư lên đến gần 21.000 tỷ đồng (tương đương gần 1 tỷ USD).

Ông Lawrence Tham, Chủ tịch HĐQT N.H.O cho biết, Công ty đã đầu tư vào Dự án Nest Home tại Đà Nẵng có quy mô 420 căn hộ, hiện đã bàn giao cho khách hàng; Dự án First Home (quận 12, TP. HCM) đang trong giai đoạn xây dựng, dự kiến bàn giao nhà vào tháng 6/2015. Một số dự án khác sẽ khởi công trong năm nay như First Home Đà Nẵng (tháng 10/2014), First Home Bình Dương (tháng 8/2014), First Home An Giang (tháng 5/2014). Ngoài những dự án trên, có những dự án có quy mô lớn khác như khu đô thị phức hợp ở quận Bình Chánh (TP. HCM) quy mô 79 héc-ta, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị Tây Sông Hậu (An Giang), quy mô 51,25 héc-ta… sẽ sớm được triển khai. Theo kế hoạch mà N.H.O đã cam kết với Bộ Xây dựng, trong vòng 10 năm tới, N.H.O sẽ đầu tư xây dựng và cung ứng ra thị trường 100.000 căn hộ.

Không chỉ có N.H.O, theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc đốc điều hành CBRE Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng công bố triển khai nhiều dự án có vốn đầu tư lớn như khu chung cư phường 22, quận Bình Thạnh (TP. HCM), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD của Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate Limited (Hồng Kông, Trung Quốc); Tập đoàn Rose Rock của gia đình tỷ phú Mỹ Rockefeller đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô để thực hiện khu phức hợp du lịch và nghỉ dưỡng tại Vũng Rô (Phú Yên) với tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ USD; một nhà đầu tư Israel là Igal Ahouvi mua lại Dự án Khu du lịch Bãi Rồng tại Cam Ranh (Khánh Hòa), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD để phát triển dưới thương hiệu mới là Alma Resort; Công ty State Development - Moscow (Nga) cũng vừa động thổ xây dựng Khu nghỉ dưỡng Cam Ranh Flowers Resort, với tổng vốn đầu tư 1.890 tỷ đồng…

Vốn nội cũng vào cuộc đua

Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính cũng nhìn nhận đây là thời điểm mang lại nhiều cơ hội, nên đã mạnh tay chi tiền mua lại các dự án “trùm mền” để tái khởi động.

Đầu năm nay, Tập đoàn Novaland công bố chi 3.000 tỷ đồng để mua và hợp tác đối với 3 dự án bất động sản tại TP. HCM. Đánh giá về tình hình thị trường, ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc tập đoàn này khẳng định, thị trường đang có chuyển biến khá tích cực.

“Chỉ trong quý I/2014, Novaland đã bán được hơn 1.000 căn, đặc biệt các dự án mà Novaland  mua lại, đầu tư xây dựng vào đầu năm như Dự án Lexington (quận 2), bán gần 500 căn, Galaxy 9 (quận 4) bán 200. Số lượng căn hộ bán được còn lại thuộc các dự án Sunrise City (quận 7), Prince Risedence (quận Phú Nhuận), Tropic Garden (quận 2)”, ông Huy nói và cho biết, với diễn biến thị trường như hiện nay, kế hoạch trong năm 2014, Novaland sẽ bán khoảng 3.000 căn hộ.

Mới đây, Tập đoàn Đất Xanh cũng đã công bố ký kết hợp tác đầu tư Dự án Water Garden (khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM) với CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI). Theo thỏa thuận, PPI sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng và chuyển nhượng cho Đất Xanh dự án gắn liền với quyền sử dụng đất xây dựng chung cư có diện tích khuôn viên gần 2,1 héc-ta. Sau đó, Đất Xanh sẽ xúc tiến thiết kế, phát triển ý tưởng đầu tư hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án trong năm 2014. Được biết, Dự án Water Garden từng được PPI lên kế hoạch bỏ ra 1.275 tỷ đồng để phát triển thành khu phức hợp ven sông Sài Gòn với các hạng mục như căn hộ cao cấp, khu thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, vì thiếu vốn, nên dự án bị trùm mền từ nhiều năm qua.

Trước đó,  một thương vụ mua bán dự án lớn đã diễn ra với việc CTCP Him Lam mua lại dự án rộng gần 35 héc-ta tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, với số tiền 1.100 tỷ đồng.

Theo giới chuyên môn, từ đây đến cuối năm sẽ còn nhiều thương vụ mua bán dự án đình đám khác, động thái này sẽ góp phần làm cho thị trường bất động sản sôi động trong thời gian tới.

Tin bài liên quan