Chỉ hơn 1 tháng sau khi ra mắt, Công ty cổ phần Chứng khoán Hòa Trung (HZS) đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 35 tỷ đồng, lên hơn 110,5 tỷ đồng để đáp ứng điều kiện kinh doanh nghiệp vụ môi giới, cũng như vốn lưu động cho Công ty.
Dự kiến thông qua Hòa Trung, một lượng vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam, trong dòng chảy chung của vốn từ thị trường châu Á vào Việt Nam.
Buổi lễ ra mắt của HZS vào tháng 8 được tổ chức tại TP. HCM với sự xuất hiện của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc là chủ yếu. Trong đó, có không ít nhà đầu tư lần đầu đến Việt Nam tìm hiểu về thị trường chứng khoán.
Hòa Trung được hình thành sau khi cổ đông lớn mua lại Công ty Chứng khoán Tầm Nhìn và thực hiện tái cấu trúc. HZS đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hòa Trung (Bắc Kinh, Trung Quốc).
Đây là công ty lớn, có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, bất động sản, mỹ nghệ và tài chính, chứng khoán. Mục tiêu của Hòa Trung không chỉ cung cấp dịch vụ môi giới, mà sẽ đầu tư mạnh vào hoạt động tư vấn, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp phục vụ các đối tượng khách hàng Việt Nam cũng như quốc tế.
Công ty này cũng có kế hoạch tăng vốn, IPO và niêm yết tại Việt Nam. Như vậy, không nằm ngoài trào lưu của nhà đầu tư đến từ thị trường tài chính như Hàn Quốc, Hồng Kông, các nhà đầu tư Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm đến M&A ở thị trường Việt Nam.
Trong một diễn biến khác, vào thời điểm Bamboo Capital (BCG) ký kết với Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc hồi tháng 6/2017 để triển khai dự án năng lượng mặt trời đầu tiên tại Long An, ông Nguyễn Hồ Nam, Tổng giám đốc BCG chia sẻ, khi tìm hiểu về lĩnh vực đầu tư năng lượng mặt trời và quyết tâm đầu tư chuỗi dự án này tại Việt Nam, BCG đã tiếp xúc với nhiều đối tác.
Một đối tác đến từ Trung Quốc, là doanh nghiệp tư nhân trong Top đầu về phát triển dự án năng lượng mặt trời, cũng sẵn sàng hợp tác cùng BCG. Tuy nhiên, ở dự án đầu tiên, BCG quyết định lựa chọn Hanwha đến từ Hàn Quốc.
Theo một nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, một công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài đang tìm kiếm cổ phiếu của các các doanh nghiệp Việt để giải ngân nguồn vốn, hoặc cung cấp dich vụ vốn cho doanh nghiệp. Nguồn vốn này là vốn chủ sở hữu của công ty và một phần là nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư, hoặc kết nối đầu tư tài chính cho nhà đầu tư trong khu vực châu Á.
Trong khi nhiều nhà đầu tư cá nhân ở các nước châu Á thường e dè khi quyết định đầu tư vào các doanh nghiệp Việt Nam, thì sự xuất hiện của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư cá nhân ở thị trường nước ngoài có thêm lựa chọn.
Đầu tháng 10 tới, Công ty cổ phần Seoul Metal Việt Nam sẽ có buổi gặp gỡ một số công ty chứng khoán để giới thiệu cơ hội đầu tư trước khi chính thức niêm yết. Seoul Metal Việt Nam là công ty chuyên sản xuất đinh vít, ốc vít kích thước siêu nhỏ phục vụ chế biến sản phẩm công nghệ cao. Tại Việt Nam, Công ty cung cấp sản phẩm cho Samsung, LG, Panasonic, Haier Sanyo, Brother…
Với các nhà đầu tư Hàn Quốc thì tên tuổi công ty này quá quen thuộc. Nhiều khả năng đối tượng đầu tư vào cổ phiếu công ty này chính là cộng động người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam.
Nhiều người Hàn Quốc sẽ thích đầu tư vào công ty có vốn đầu tư của nước họ hơn là các công ty Việt Nam mà họ không nhiều lợi thế trong tìm hiểu thông tin hoạt động.
Xu hướng niêm yết của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong các năm tới sẽ góp phần thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn, mở rộng đối tượng đầu tư cá nhân cũng như tổ chức, qua đó góp phần tăng thanh khoản, tăng giá trị thị trường chứng khoán Việt.
Một số chuyên gia dự báo rằng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ các nền kinh tế trong khu vực châu Á và nguồn vốn đầu tư châu Á sẽ dẫn đầu trong xu hướng này.