Ảnh minh họa
Doanh nghiệp và nhà đầu tư khó tiếp cận vốn vay
Là doanh nghiệp chuyên thực hiện các dự án nhà ở xã hội - phân khúc được ưu tiên tiếp cận tín dụng, nhưng khi được hỏi về hoạt động kinh doanh trong thời gian gần đây, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành cho biết, việc hoàn thiện hồ sơ vay mới của Công ty đang gặp nhiều khó khăn, bởi ngân hàng nói phải chờ thủ tục khoảng 3 tháng nữa.
Theo ông Nghĩa, trước đây, thủ tục thẩm định cho vay chỉ gói gọn trong 1 tháng, nay kéo dài 4-5 tháng chưa xong. Việc vay vốn khó khăn khiến kế hoạch triển khai các dự án mới không thể thực hiện được.
“Thêm vài tháng chờ thủ tục là doanh nghiệp thêm mệt mỏi và tốn kém, bởi quy trình phát triển dự án cần được thực hiện liên tục, nếu thiếu vốn một khâu sẽ ảnh hưởng đến các khâu còn lại, khiến giá thành sản phẩm tăng”, ông Nghĩa nói.
Thị trường vốn trong thời gian tới được dự báo sẽ có không ít biến động, khi những doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 2-3 năm trước đến ngày đáo hạn. Nếu không có đủ nguồn tài chính thanh toán lãi và gốc trái phiếu, thì rủi ro thanh khoản là rất lớn.
- Ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc DRH Holdings
Chia sẻ về câu chuyện siết tín dụng, ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc DRH Holdings cũng cho hay, nói như lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là không có chủ trương siết cũng đúng vì cơ quan này chưa ban hành văn bản nào đề cập việc đó.
Tuy nhiên, một thực tế là, đầu năm, Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng nhất định cho cả năm và cho từng lĩnh vực, ngành nghề. Song các hạn mức này thường chỉ sử dụng 3-4 tháng đầu năm là hết, nên giữa năm, các ngân hàng phải xin thêm room thì mới được phép cho vay trong những tháng tiếp theo.
Do đó, dù nói không siết tín dụng, nhưng nếu Ngân hàng Nhà nước không nới room, thì cũng coi như siết tín dụng. Vì thế, thời gian này, doanh nghiệp bất động sản sẽ khó tiếp cận vốn ngân hàng hơn.
“Thị trường vốn trong thời gian tới được dự báo sẽ có không ít biến động, khi những doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ 2-3 năm trước đến ngày đáo hạn. Nếu không có đủ nguồn tài chính thanh toán lãi và gốc trái phiếu, thì rủi ro thanh khoản là rất lớn. Hơn nữa, khi không được nới room tín dụng, các ngân hàng sẽ đẩy lãi suất cho vay lên cao để bù đắp và khi đó, dòng tiền vào thị trường bất động sản sẽ càng nhỏ giọt”, ông Sơn phân tích.
Không chỉ doanh nghiệp, mà người mua bất động sản cũng đang khó tiếp cận vốn ngân hàng. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Hải (ngụ tại quận 7, TP.HCM) cho biết, đầu năm 2022, ông có mua một lô đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu với giá 3 tỷ đồng. Do không đủ nguồn tài chính, nên ông đã làm việc với Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) để vay tiền.
Sau khi thẩm định, phía ngân hàng đồng ý cho vay và tiến hành ký văn bản cam kết 3 bên (ngân hàng, bên mua và bên bán). Sau khi có văn bản cam kết cho vay, ông Hải và chủ lô đất tiến hành công chứng giao dịch. Thế nhưng, khi đến thời gian giải ngân, ngân hàng bất ngờ dừng cho vay với lý do hết room. Kết quả là, đến thời điểm hiện tại, ông vẫn chưa trả đủ tiền cho chủ đất.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Hầu hết chủ đầu tư hay nhà đầu tư, trước khi triển khai dự án hoặc ra quyết định mua nhà đều lên kế hoạch chuẩn bị nguồn vốn, trong đó chủ yếu là vốn vay ngân hàng và được ngân hàng cam kết cho vay. Tuy nhiên, khi đến hạn giải ngân, phía ngân hàng đột ngột thông báo không cho vay hoặc kéo dài thủ tục, khiến cả chủ đầu tư và người mua nhà rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Đầu tư sao cho hiệu quả?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vấn đề này, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa cho hay, trong thời điểm hiện nay, nhà đầu tư nên quay lại tìm kiếm những dự án/sản phẩm cũ để hạn chế vay vốn ngân hàng.
Cụ thể, nhà đầu tư nên quay lại thành phố hoặc khu vực trung tâm để tìm kiếm những nhà phố, nhà mặt tiền thương mại, căn hộ… với giá trị vừa phải để đầu tư. Đặc biệt chú trọng những dự án đã bàn giao, có pháp lý an toàn để mua.
“Đầu tư bất động sản trong thời điểm hiện tại cần sự an toàn nhất định, ít rủi ro và tính khả thi cao”, ông Quang nhấn mạnh.
Còn theo quan điểm của bà Trần Thùy Linh, Phó giám đốc Công ty Đức Linh Real, lúc này, nhà đầu tư nên đánh giá lại danh mục đã đầu tư. Trong đó, cần đánh giá lại mức độ tiềm năng của mỗi sản phẩm. Sản phẩm còn động lực tăng trưởng hay không? Nếu còn tăng trưởng thì trong bao lâu, 1-2 năm, hay 3-5 năm? Sản phẩm nào không còn tăng trưởng thì phải giảm bớt.
Cùng với đó, nhà đầu tư phải xác định, sản phẩm nào sẽ đầu tư ngắn hạn, sản phẩm nào đầu tư cho trung hạn và sản phẩm nào đầu tư dài hạn (trên 3 năm). Để đảm bảo luôn có dòng tiền cũng như tránh rủi ro, thì việc cơ cấu và phân bổ nguồn vốn là cực kỳ quan trọng.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần tìm hiểu thị trường và săn bất động sản giá rẻ, bởi những bất động sản mà nhà đầu tư cần nhanh chóng xử lý để có tiền trả ngân hàng hoặc để làm việc khác thì họ sẵn sàng giảm giá bán.
Còn theo một số chuyên gia, thời điểm này, các nhà đầu tư mới nên quan sát diễn biến thị trường, không nên nóng vội xuống tiền.