Khó trông chờ vào nhà đầu tư ngoại
Theo thông tin của Báo Đầu tư, cho đến giờ phút này, nhiều nhà đầu tư ngoại đã chùn chân, không còn kỳ vọng vào việc mua nợ xấu từ VAMC, dù trước đó đã có khoảng 60 nhà đầu tư ngỏ ý tìm hiểu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về khả năng bán nợ cho nước ngoài, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch VAMC lắc đầu cho biết : “Rất khó! Với thủ tục như hiện nay, chẳng nhà đầu tư nào dám mua”.
Cho đến thời điểm này, nợ xấu trong bảng cân đối tài sản của toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 120.000 tỷ đồng (dưới 3%). Tuy nhiên, nợ nằm trong kho của VAMC lại nhiều gấp đôi con số này (245.000 tỷ đồng). Nguy cơ khối nợ khủng này quay lại ngân hàng rất lớn, khi thời hạn 5 năm trích lập dự phòng rủi ro ngày càng ngắn lại. Chưa kể, dù đã bán cho VAMC, song các ngân hàng vẫn đang phải còng lưng trích lập dự phòng cho khối nợ khủng này, nghĩa là gánh nặng tài chính vẫn đang nè nặng các ngân hàng. Càng kéo dài thời gian xử lý, chi phí càng tốn kém.
“Điều quan trọng là làm sao để lưu động hóa tài sản do VAMC nắm giữ để xử lý nợ xấu triệt để”, ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia băn khoăn.
Theo quy định pháp luật hiện hành, muốn bán tài sản nợ, ngân hàng và VAMC phải nhận được sự đồng tình của chủ nợ. Chính điều này đã làm chậm quá trình xử lý nợ. Tính đến cuối năm 2015, VAMC chỉ xử lý được hơn 22.000 tỷ đồng nợ xấu, tức khoảng 10% tổng số nợ xấu mua về.
Theo các chuyên gia kinh tế, hầu hết các nước trên thế giới khi xử lý nợ xấu đều phải bỏ ngân sách ra xử lý và có đạo luật riêng để xử lý nợ xấu, mà tỷ lệ thu hồi nợ xấu cũng chỉ khoảng 20%. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nợ xấu được xử lý trên nguyên tắc không dùng ngân sách và đến nay vẫn chưa có hành lang pháp lý. “VAMC đã thu hồi được 10% nợ xấu và chỉ 10% nữa thôi là đạt mức của thế giới. Nhưng ở nước ta, nhiều người cho rằng, ngân hàng gây ra nợ thì phải xử lý nợ và họ kỳ vọng VAMC tay không bắt giặc, mà vẫn sẽ thu hồi được 70-80% nợ xấu”, một lãnh đạo ngân hàng bức xúc nói.
Trong khi 90% nợ xấu gom lại từ các năm trước vẫn đang nằm im, thì nợ xấu mới vẫn đang sinh sôi hàng ngày. Ông Trương Văn Phước cho biết, năm 2015, tín dụng tăng nhanh, đồng thời cũng làm nợ xấu phát sinh thêm 45.000 tỷ đồng. “Số nợ xấu này không bộc lộ nguy cơ ngay, nhưng sẽ là mối nguy cơ cho những năm sau”, ông Phước cảnh báo.
Lo thị trường bất động sản gặp khó
Trong năm 2015, khi thị trường bất động sản ấm lên, VAMC xử lý được số nợ xấu gấp 4,5 lần năm 2014. Rõ ràng, sự phục hồi của thị trường bất động sản đang tạo nên những tác động tích cực.
Một nguồn tin cho hay, hiện VAMC đang nắm giữ nhiều tài sản đảm bảo bằng bất động sản rất giá trị. Nếu các vướng mắc trong thủ tục xử lý tài sản đảm bảo được gỡ bỏ, nhiều khoản nợ VAMC mua về sẽ có lãi. Tuy nhiên, nếu thị trường bất động sản gặp khó khăn, xử lý nợ xấu sẽ mắc kẹt.
VAMC đã thu hồi được 10% nợ xấu và chỉ 10% nữa thôi là đạt mức của thế giới. Nhưng ở nước ta, nhiều người cho rằng, ngân hàng gây ra nợ thì phải xử lý nợ và họ kỳ vọng VAMC tay không bắt giặc, mà vẫn sẽ thu hồi được 70-80% nợ xấu
Thời gian qua, do tín dụng trung, dài hạn tăng quá nhanh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét siết lại tín dụng trung, dài hạn. Dĩ nhiên, cảnh báo là cần thiết, song các chuyên gia cho rằng, việc siết tín dụng bất động sản phải rất thận trọng, bởi bất động sản là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành kinh tế, nếu thị trường đi xuống, cả nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, tư duy xử lý nợ xấu đang có vấn đề. “Chúng ta đang tư duy không được dùng tiền thuế để xử lý nợ xấu cho ngân hàng, nợ xấu ngân hàng làm ra, ngân hàng phải chịu. Tuy nhiên, ngân hàng hàng là huyết mạch của nền kinh tế, nếu không xử lý được nợ xấu thì huyết mạch sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nếu nói nợ xấu để mặc ngân hàng tự xử lý là thiếu trách nhiệm, thiếu tầm nhìn”, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN bình luận.
Trong khi đó, về phía VAMC, ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ kỳ vọng, Quốc hội sẽ sớm thông qua một bộ luật, hay ít nhất là một nghị quyết về xử lý nợ xấu, để cơ quan này có “bảo kiếm” trảm nhanh nợ xấu.