Theo đó, một số loại sữa khi kê khai mức giá nhập khẩu tại cơ quan hải quan chỉ khoảng 80.000 - 100.000 đồng, nhưng giá bán lẻ lên tới 400.000 - 900.000 đồng/hộp.
Trên thực tế, không chỉ với mặt hàng sữa, căn bệnh khập khiễng về giá khai báo hải quan và giá bán trên thị trường còn xuất hiện ở nhiều loại hàng hóa khác. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, hàng hóa còn bị khai báo sai về chủng loại dẫn đến giá trị thay đổi đến vài chục, thậm chí hàng trăm lần.
Cách đây ít lâu, Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Hoa Mặt Trời mở Tờ khai hải quan số 4032/NKD-KV4 tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 4 (Cục Hải quan TP.HCM) gồm váy, quần lót, áo ngực… mang nhãn hiệu thời trang nổi tiếng Pierre Cardin, nhưng có giá khai báo nhập khẩu rất bèo chỉ từ 6.000 - 16.000 đồng/chiếc.
Trên thực tế, mặt hàng này thường được bán tại các trung tâm thương mại lớn với giá khoảng 300.000 - 400.000 đồng/chiếc. Điều này cho thấy, con số chênh lệch từ 5 đến 9 lần giữa giá khai báo hải quan và bán trên thị trường của mặt hàng sữa vẫn là... quá nhỏ.
Một trường hợp khác, Công ty TNHH một thành viên Kim Đức Lợi từng mở Tờ khai hải quan số 72838NKD-KV1 tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM). Hàng hóa khai báo là dây thép gai, lưới kẽm, lưới chống muỗi..., với khối lượng lô hàng là 41 tấn, nhưng tổng trị giá chỉ vẻn vẹn 260 triệu đồng. Tính ra, trung bình 1 kg hàng chỉ có giá 6.000 đồng, thấp hơn cả giá sắt phế liệu.
Ngoài việc khai báo giá trị hàng hóa thấp đến mức phi lý như trên, trong thực tế, cũng có trường hợp doanh nghiệp “nhầm” cả tên mặt hàng lẫn số lượng hàng hóa khi khai báo trên hồ sơ nhập khẩu. Công ty TNHH Trang trại nông nghiệp Kỹ thuật cao Nhật Việt là một ví dụ.
Khi mở Tờ khai số 2736/NĐT-KD, công ty này đã khai mặt hàng là phụ tùng máy lọc khí - ruột lọc khí nén, số lượng 28 kiện. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan kiểm tra thực tế, thì mặt hàng nhập khẩu lại là giày da, túi xách, thanh nhôm, hộp đèn..., với số lượng tới 367 kiện. Tổng giá trị hàng vi phạm lên đến gần 2,7 tỷ đồng.
Giải thích về sự “nhầm lẫn” trên, một số doanh nghiệp cho rằng, hiện danh mục phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu quá phức tạp. Do đó, ngoài các doanh nghiệp cố tình vi phạm, cũng có những trường hợp nhầm lẫn thực sự. Bên cạnh đó, còn xảy ra sự khác nhau về quan điểm phân loại hàng giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan.
Gần đây, Công ty cổ phần Ô tô Ba Sao nhiều lần khiếu nại cơ quan hải quan về việc xác định trị giá tính thuế mặt hàng ô tô con 5 chỗ hiệu Samsung SM3, xuất xứ Hàn Quốc. Vụ việc đã được Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hải Phòng giải quyết, nhưng doanh nghiệp vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại lên Tổng cục Hải quan.
Theo bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Kiểm tra thu thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan), biểu thuế đang có quá nhiều mức khác nhau khiến việc quản lý giá tính thuế gặp nhiều khó khăn. Tổng cục Hải quan cũng đang triển khai Đề án “Nâng cao năng lực hải quan trong công tác phân loại hàng hóa và xác định trị giá hải quan đến năm 2020” để đồng nhất hóa biểu thuế với những mặt hàng có tính chất giống nhau.