Về trách nhiệm hình sự, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án, bị cáo Bình tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp hình phạt là chung thân.
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Xuyến, nguyên Phó tổng giám đốc DongA Bank giúp sức tích cực, biết rõ thua lỗ nhưng khi bị cáo Bình đưa ra chủ trương trái pháp luật vẫn tiếp tay. Vì vậy VKSND đề nghị 25 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, 18 - 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp 30 năm tù giam.
Các bị cáo Nguyễn Đức Vinh, nguyên Trưởng phòng Ngân quỹ Hội sở DAB, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Đức Tài và Đỗ Thanh Hùng giúp sức tích cực nên bị đề nghị từ 16 - 18 năm tù.
Riêng bị cáo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng Bắc Nam 79, xét về tính chất hành vi, hậu quả phải chịu mức án tới chung thân. Tuy nhiên, gia đình bị cáo đã khắc phục được 203 tỷ đồng (vốn 200 tỷ đồng, lãi 3 tỷ đồng) và hứa trả 13,4 triệu USD nên đại diện VKSND đề nghị phạt từ 15 - 17 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tổng hợp với bản án của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên trước đó 8 năm tù thì mức phạt cuối cùng là 23 - 25 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND đề nghị HĐXX tuyên buộc bị cáo Bình phải bồi thường số tiền 3.568 tỷ đồng cho DongA Bank. Cùng với đó, tiến hành tịch thu tất cả các tài sản của bị cáo Trần Phương Bình và các bị cáo khác đứng tên giúp nhưng đang bị kê biên; thu hồi các khoản tiền được xác định là vật chứng trong vụ án.
Bị cáo Xuyến liên đới bồi thường 1.574 tỷ đồng với bị cáo Bình. Một số bị cáo khác cũng phải khắc phục hậu quả, như bị cáo Phước trả lại trên 9,2 tỷ đồng, bị cáo Ánh trả trên 53 tỷ đồng và phải trả lãi phát sinh cho DongA Bank.
Trong vụ án Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc DongA Bank và đồng phạm gây thiệt hại 3.600 tỷ đồng tại DongA Bank, Ngân hàng được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Có mặt tại tòa trong các ngày xét xử, đại diện DongA Bank thống nhất với kết luận điều tra cũng như nội dung cáo trạng nêu về hành vi vi phạm của các bị cáo.
Cụ thể, ngoài khoản tiền gốc hơn 3.600 tỷ đồng bị ông Trần Phương Bình và đồng phạm làm thất thoát thì DongA Bank còn mất lượng lớn tiền lãi phát sinh. Dựa vào cáo trạng, Ngân hàng tính tổng thiệt hại mà ông Bình phải có trách nhiệm bồi thường là hơn 219 tỷ đồng và hơn 66.000 lượng vàng.
Ngoài ra, do DongA Bank là nhà băng huy động cho vay tiền tệ nên Ngân hàng yêu cầu tính lãi cho hành vi vi phạm của các bị cáo. Theo đó, lãi về tiền là 1.888 tỷ đồng, lãi về vàng là 6.620 lượng vàng tính tới thời điểm ngày 30/9/2018. Đây là thời điểm DongA Bank nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trước câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Bình về phương pháp tính thiệt hại của DongA Bank: “Tài sản thất thoát còn hiện hữu bằng nghĩa vụ thông qua hợp đồng dân sự, thương mại có thể thu hồi thì có bị xem là thất thoát không?”, đại diện DongA Bank cho biết, đã chứng minh rõ qua quá trình điều tra và cáo trạng của VKSND.
Số liệu thiệt hại là số liệu bị thất thoát dựa vào văn bản kiểm quỹ trên thực tế. Vàng, ngoại tệ nằm trong tổng số quỹ bị lệch thực tế, bị mất nên DongA Bank xem đó là thiệt hại. Do vậy, nguyên đơn dân sự là DongA Bank yêu cầu được bồi thường.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của luật sư về số cổ phần DAB mà bị cáo Bình và người thân đứng tên mua đang bị kê biên, hiện DongA Bank quản lý có bị xem là tài sản bị chiếm đoạt không, đại diện DongA Bank cho biết, cơ quan điều tra đã yêu cầu trưng cầu giám định những tài sản này. Nhưng do cổ phiếu DAB chưa được đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán nên không thể xác định được giá trị thực tế để tính thiệt hại.