Doanh nhân Võ Trường Thành nhận Cup Kim Cương về Chất lượng tại Pháp năm 2011.

Doanh nhân Võ Trường Thành nhận Cup Kim Cương về Chất lượng tại Pháp năm 2011.

Võ Trường Thành, doanh nhân gỗ thành công và trăn trở

Từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đến nay, hàng loạt DN ngành gỗ Việt Nam hoặc bị phá sản hoặc sản xuất cầm chừng.

Trong khi đó, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) vẫn giữ được đà tăng trưởng ổn định với doanh số năm 2011 dự kiến trên 2.400 tỷ đồng. Đó là nhờ vào nỗ lực chèo lái của vị Tổng giám đốc đã có hơn 30 năm gắn bó và trăn trở với nghề chế biến gỗ, ông Võ Trường Thành.

 

Xuất thân là một giáo viên dạy Toán ở đất võ Bình Định, hơn 30 năm trước, ông rời quê hương vào Sài Gòn lập nghiệp. Rồi cái duyên đưa ông đến với gỗ tại vùng Tây Nguyên - Đắk Lắk xa xôi vào những năm 90 thế kỷ trước với một xưởng gỗ 30 nhân công và số vốn đầu tay khoảng 3.000 đô- la Mỹ. Sau gần 10 năm thăng trầm, có lúc tưởng chừng phải phá sản, từ Tây Nguyên, ông trở lại với thị thành  bằng việc mua lại DN FDI đầu tiên tại Bình Dương và thành lập chi nhánh TP. HCM, tạo bước tiền đề cho sự hình thành nên Tập đoàn Trường Thành với 14 công ty thành viên và hơn 6.500 CB, CNV hôm nay.

Sự lớn mạnh của DN lại khiến "ông giáo" Thành phải "cắp sách đi học" lần nữa. Tốt nghiệp MBA tại Mỹ, năm 2000, ông trở về và đã cùng với đội ngũ của mình đưa TTF lên một tầm cao mới. Năm 2007, Trường Thành IPO và niêm yết trên HOSE năm 2008, đánh dấu bước phát triển mới của Trường Thành.

 

Từng là giáo viên dạy Toán, ông Thành luôn áp dụng tư duy Toán học để tìm lời giải cho các vướng mắc trong điều hành. Hai trong nhiều điểm yếu tồn tại lâu năm của ngành gỗ là thiếu nguyên liệu triền miên và năng suất lao động thấp. Lời giải cho vấn đề thiếu nguyên liệu là kế hoạch trồng 100.000 héc-ta rừng trong vòng 20 năm với kinh phí dự kiến 20 triệu USD, đến nay, TTF đã thực hiện được 1/5 chặng đường. Còn vấn đề năng suất lao động, ông đã mạnh dạn mời các chuyên gia từ Đức, Nhật Bản đến đào tạo công nhân viên trong nước, đồng thời, đưa cộng sự ra nước ngoài học tập. Chính những CB - CNV này đã trở thành hạt nhân cho việc đào tạo hàng ngàn CB - CNV trong nước. Kết quả là "nếu có một nhân sự nào của TTF xin ra ngoài sẽ được các DN khác trong ngành săn đón", một cán bộ dưới quyền ông Thành chia sẻ.

 

Tuy nhiên, con đường của Trường Thành không phải lúc nào cũng thuận lợi. Trường Thành nói riêng và ngành gỗ nói chung những năm qua gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt với các DN chuyên xuất khẩu. Có những khó khăn đến từ khách quan, có khó khăn do chủ quan của DN. Đã có lúc, ông Thành tưởng chừng phải đóng cửa nhà máy như thời còn ở Đắk Lắk, khi mà Nhà nước cấm xuất khẩu sản phẩm gỗ năm 1997. Tuy nhiên, với tư duy năng động, khéo léo vận dụng chiến lược "ta tắm ao ta" - hướng vào thị trường nội địa, ông không chỉ duy trì thành công hoạt động nhà máy, mà còn từng bước đưa DN phát triển mạnh mẽ. Qua nhiều năm nghiên cứu văn hóa và thị hiếu tiêu dùng trong nước, hiện nay, thị trường nội địa đã đóng góp 35% doanh thu của TTF. Đây là một kết quả vượt trên kỳ vọng với DN chuyên xuất khẩu như Trường Thành.

 

Được hỏi về cảm nghĩ khi Trường Thành đứng thứ 3 trong top 10 DN chế biến gỗ có doanh thu cao nhất Việt Nam, ông Thành tâm sự, ông rất tự hào về thứ hạng đó, nhưng không khỏi băn khoăn, trăn trở. Băn khoăn bởi Trường Thành là DN trong nước duy nhất có tên trong danh sách, còn lại là các DN 100% vốn nước ngoài hoặc liên doanh. Điều này chứng tỏ các DN chế biến gỗ trong nước đang suy yếu đi. Theo ông, hiện đang diễn ra một "cuộc chiến không cân sức" giữa các DN trong nước với các DN FDI, khi mà chí phí tài chính của các DN trong nước quá cao, còn các DN FDI lại được sử dụng vốn chi phí thấp ở nước ngoài. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm lạm phát đã làm cho các DN chế biến gỗ xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh giảm giá thành sản phẩm với các nước trong khu vực. Nhiều DN trong nước đang dần thu hẹp quy mô để bảo toàn vốn, trong khi các DN FDI đang dần lấn sân. Nhìn rộng ra, trong Top 20 DN dẫn đầu ngành gỗ, thì 70% là DN FDI và họ có mức tăng trưởng trên 30%. "Các DN có vốn đầu tư trong nước sẽ vẫn thua ngay trên sân nhà", ông Thành nói.

 

"Tôi mong muốn Chính phủ nhanh chóng thực hiện các giải pháp cấp bách để hạ lãi suất và đặc biệt là hướng vốn vào sản xuất và xuất khẩu, cũng như có giải pháp hữu hiệu kiểm soát hoạt động chuyển giá, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, làm cho các DN ngành gỗ trong nước đủ sức phát triển trở lại", ông Thành chia sẻ.

 

Sau nhiều năm hoạt động, ngoài những giải thưởng mà Tập đoàn Trường Thành đã đạt được, ông Võ Trường Thành là doanh nhân ngành gỗ đầu tiên được kết nạp vào Câu lạc bộ Doanh nhân hàng đầu thế giới (Trade Leaders' Club). Nhưng doanh nhân này chia sẻ, ước mong lớn nhất của cuộc đời ông không phải là những giải thưởng, mà là môi trường kinh doanh được cải thiện hơn nữa, để Việt Nam có nhiều hơn các DN ngành gỗ lớn mạnh.