Các nạn nhân trong vụ việc cung cấp các tài liệu, bằng chứng về việc cho vay tiền. (Nguồn: TTXVN phát)

Các nạn nhân trong vụ việc cung cấp các tài liệu, bằng chứng về việc cho vay tiền. (Nguồn: TTXVN phát)

Vỡ nợ lớn ở Sơn La, hàng chục người lâm cảnh “tan cửa, nát nhà“

Đào Thị Quy, cán bộ kế toán của Khối đoàn thể và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) huy động số tiền lớn của một số người trên địa bàn hai huyện vùng biên Sông Mã và Sốp Cộp nhưng không có khả năng thanh toán là vụ việc gây bức xúc trong dư luận địa phương thời gian qua.
Đến nay, đối tượng đã bị bắt tạm giam để phục vụ công tác điều tra, tuy nhiên hàng chục nạn nhân đang lâm vào cảnh hoang mang, lo lắng, gia đình bất hòa bởi hàng chục tỷ đồng mà họ cho vay hiện không rõ ở đâu.

Lừa đảo tinh vi

Vụ việc vỡ lở vào ngày 6/9/2017, khi Đào Thị Quy, sinh năm 1977, hộ khẩu thường trú tại bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp ( tỉnh Sơn La) đến Công an huyện trình bày về việc trước đó có vay nợ với số tiền lớn và hiện không có khả năng trả nợ.

Tại cơ quan công an, bước đầu Đào Thị Quy khai nhận, trong thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 8/2017 đã vay tiền của nhiều người ở hai huyện Sốp Cộp và Sông Mã. Tổng số tiền nợ đến thời điểm Công an huyện Sốp Cộp xác minh là khoảng 55,8 tỷ đồng. Bà Quy vay số tiền trên để sử dụng vào các mục đích như trả các khoản nợ cá nhân từ trước; vay tiền với lãi suất thấp sau đó cho người khác vay lãi suất cao hơn; đáo nợ giữa người này với người khác; sử dụng vào việc kinh doanh cầm đồ tại nhà; chơi lô đề...

Tìm hiểu thủ đoạn vay tiền của đối tượng Đào Thị Quy qua các nạn nhân tại hai huyện Sông Mã và Sốp Cộp, được biết, việc vay tiền của Quy khá tinh vi theo cách chiếm lòng tin của nạn nhân từ từ. Ban đầu chỉ vay một số tiền ít, sau đó trả ngay cùng với một khoản lãi suất nhất định. Khi những người cho vay tiền đã bắt đầu tin tưởng, Quy vay tiền với số lượng lớn hơn rất nhiều, lên đến hàng tỷ đồng mỗi lần.
Chị Nguyễn Thị Hiền, ở bản Hua Mường, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp - một nạn nhân đã cho vay 11,8 tỷ đồng cho biết: Lúc đầu bà Quy hỏi vay số lượng tiền chỉ mấy trăm triệu đồng thôi và nói vay để đáo hạn ngân hàng, để đầu tư vào một số công trình xây dựng vì có hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực này. Quy nói chỉ vay một thời gian ngắn thôi, được nhiều thì trả nhiều, được ít thì trả ít. Quy mượn khoảng 3 lần đều trả sòng phẳng tiền gốc và tiền lãi. Vì thế, dần dần đã lấy được lòng tin của tôi.

Hơn nữa, thấy bà Quy là cán bộ, chồng cũng làm ở huyện nên nghĩ họ làm ăn đứng đắn. Do tin tưởng nên tôi đã vay của anh em, bạn bè để cho Quy vay, đến lúc mọi chuyện vỡ lở thì số tiền cho vay đã quá nhiều.

Trong khoảng hai tuần trước khi đến cơ quan công an khai báo về việc vỡ nợ, đối tượng Đào Thị Quy đã liên tục huy động số tiền lớn đến hàng chục tỷ đồng. Lý do để vay tiền được đưa ra đều giống nhau là có một đơn vị, cá nhân nào đó đang cần tiền gấp và sẽ trả lại ngay trong ngày hôm sau. Điển hình như nạn nhân Nguyễn Thị Hiền đã cho vay 11,8 tỷ đồng; nạn nhân Bùi Thị Thu Hà cho vay 23 tỷ đồng...

Số tiền “khổng lồ” đang ở đâu? 

Chị Nguyễn Thị Hiền chỉ là một trong số hàng chục nạn nhân bị Đào Thị Quy lừa để vay tiền. Theo lời khai ban đầu, đã có 18 người trên địa bàn huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã bị lừa đảo, nhưng trên thực tế số lượng người bị lừa còn đông hơn nhiều. Sau khi biết Đào Thị Quy không còn khả năng trả nợ, ngoài 18 người đã đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo của đối tượng này, còn có khá nhiều người khác bao gồm một số cán bộ công chức, đảng viên...do sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân đã ngại "khai báo" với nhà chức trách.

Mặt khác, số tiền thực tế mà đối tượng Đào Thị Quy vay chưa dừng lại ở con số 55,8 tỷ đồng như lời khai ban đầu. Bởi chỉ tính chưa đầy đủ từ một số nạn nhân, lượng tiền cho vay đã lên đến gần 70 tỷ đồng như: Nguyễn Thị Hiền (huyện Sốp Cộp) cho vay 11,8 tỷ đồng; Bùi Thị Thu Hà (huyện Sông Mã) cho vay 23 tỷ đồng; T.T.D (huyện Sông Mã, nhân vật đề nghị giấu tên) cho vay 20 tỷ đồng; L.T.L (huyện Sốp Cộp) cho vay 14 tỷ đồng..
Theo thông tin mà phóng viên tìm hiểu, khi Công an tỉnh Sơn La tiếp nhận vụ án, hiện tiếp tục điều tra, số tiền mà đối tượng Đào Thị Quy đã nợ hiện đã gần 190 tỷ đồng.

Điều mà các nạn nhân đang lo lắng là số tiền của họ đang ở đâu. Bởi theo các nạn nhân, với số tiền “khổng lồ” mà Quy đã vay không thể sử dụng hết nhanh như vậy. Không những thế, trong quá trình giao dịch, ngoài chuyển tiền vào số tài khoản của Đào Thị Quy, những người cho vay còn được đối tượng này cho số tài khoản của một số người khác công tác trong các ngành công an, ngân hàng... như tài khoản của: Cầm Minh Hòa đang công tác tại Công an tỉnh Sơn La; Đặng Tuyết Nhung, thủ quỹ tại Công an huyện Sốp Cộp...

Vì vậy, những người cho vay có thêm lòng tin để chuyển tiền cho Quy. Chị Bùi Thị Thu Hà cho biết: “Quy có cho biết những người này cùng làm ăn, cần tiền để giải quyết công việc nên cứ yên tâm chuyển tiền, chứ các chị chưa bao giờ liên lạc trực tiếp với những chủ tài khoản này. Bây giờ mới thấy mình dễ dãi quá trong việc cho vay tiền. Khi Quy cho số tài khoản của những người có tên tuổi, có chức có quyền thì lại càng tin hơn bởi nghĩ rằng những người đó không thể nào đánh đổi công việc để đi lừa các chị...”

Cần sớm làm rõ vụ việc

Ánh mắt thất thần, trũng sâu vì nhiều ngày liền mất ăn, mất ngủ, chị C.T.H - một nạn nhân gián tiếp của vụ vỡ nợ cho biết: “Tất cả cũng chỉ vì lòng tham và sự chủ quan của mình. Dù không trực tiếp cho Quy vay nhưng chị lại gom tiền để người thân của mình cho đối tượng vay. Giờ đây chị rất hoang mang, không biết sống thế nào, bởi tất cả tài sản đã mang đi cầm cố ngân hàng mà ngày đáo hạn ngân hàng lại đang đến gần, lúc đó thì trắng tay, cả gia đình sẽ không biết sống thế nào. Bây giờ chỉ mong các cơ quan chức năng sớm điều tra, giải quyết để sớm trả lại tài sản cho những người bị hại.”

Đây cũng là mong muốn chung của hàng chục nạn nhân trong vụ việc kể trên. Nếu không sớm điều tra, làm rõ thì chưa biết sẽ có thêm bao nhiêu gia đình lâm vào hoàn cảnh cùng đường...

Trên cơ sở điều tra xác minh của các phòng chuyên môn, xét thấy hành vi của Đào Thị Quy có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự, ngày 19/10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 28/QĐ – PC45, khởi tố bị can số 54/QĐ - PC45 đồng thời ra lệnh bắt bị can để tạm giam và tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của Đào Thị Quy nhằm điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, Huyện ủy Sốp Cộp đã ra Quyết định đình chỉ công tác; Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy đã ra quyết định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với Đào Thị Quy.

Chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành huyện Sốp Cộp đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ về những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung, của Đào Thị Quy nói riêng, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác đề phòng trước những hành vi trên đồng thời, chỉ đạo làm tốt công tác nắm tình hình, dư luận quần chúng nhân dân, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những kẻ xấu lợi dụng tính chất vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, làm mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn huyện.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sốp Cộp cho biết, huyện Sốp Cộp đã có công văn gửi đến các ngành, các xã để kịp thời trấn an dư luận sau khi vụ việc xảy ra, gây xôn xao trong dư luận. Đến nay, sau khi có sự định hướng, tuyên truyền, dư luận trên địa bàn đã lắng xuống.
Tin bài liên quan