Vỡ nợ doanh nghiệp trên thế giới tăng mạnh nhất kể từ sau đại dịch đến nay

Vỡ nợ doanh nghiệp trên thế giới tăng mạnh nhất kể từ sau đại dịch đến nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số công ty vỡ nợ trên toàn cầu đã tăng mạnh trong quý I/2023, lên mức cao nhất so với bất kỳ quý nào từ cuối năm 2020 đến nay, thời điểm doanh nghiệp trên khắp thế giới đang phải hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s cho biết, 33 trong số công ty được Moody’s xếp hạng tín nhiệm đã rơi vào cảnh vỡ nợ trong quý I năm nay. Đây là con số lớn nhất kể từ quý IV/2020, khoảng thời gian có 44 công ty vỡ nợ. Khoảng một nửa trong số này, tức khoảng 15 doanh nghiệp đã vỡ nợ chỉ riêng trong tháng 3 vừa qua, con số hàng tháng cao nhất kể từ tháng 12/2020.

Trong số những doanh nghiệp vỡ nợ quý I vừa qua, có các vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), công ty mẹ của ngân hàng này là SVB Financial Group và một ngân hàng khác là Signature Bank vào tháng 3 vừa qua. Việc hai ngân hàng Mỹ này sụp đổ liên tiếp đã gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu và gây suy giảm niềm tin vào toàn hệ thống ngành ngân hàng.

Moody’s cho biết, các vụ vỡ nợ trong ngành tài chính là gây chú ý hơn cả, nhưng hầu hết các vụ vỡ nợ trong tháng 3 đều đến từ các lĩnh vực phi tài chính. Vụ vỡ nợ của công ty phát thanh thể thao Mỹ Diamond Sports Group là vụ có số tiền vỡ nợ lớn nhất 9 tỷ USD.

Trong năm qua, nhiều doanh nghiệp đã hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong môi trường lãi suất tăng, giá năng lượng tăng và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu có phần ảm đạm.

Tại Anh, số các công ty vỡ nợ trong tháng 3 đã vượt xa con số hàng tháng trong đại dịch Covid-19. Khi đại dịch hoành hành, Chính phủ Anh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp đứng vững, còn hiện nay thì không.

Cơ quan giám sát phá sản doanh nghiệp Anh cho biết, số lượng công ty vỡ nợ trong tháng 3 đã tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong một dấu hiệu cho thấy môi trường huy động vốn đối với doanh nghiệp toàn cầu trở nên khó khăn hơn, các nhà đầu tư đã dè chừng với trái phiếu doanh nghiệp. Chẳng hạn, một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) của iShares chuyên đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp hạng khuyến nghị đầu tư (investment grade, tức là những công ty có điểm tín nhiệm mạnh) đã giảm khoảng 20% trong năm 2022. Từ đầu năm đến nay, quỹ này chỉ tăng nhẹ ở mức 3%.

Moody’s dự báo, sự kết hợp giữa lãi suất vay vốn tăng lên và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm xuống sẽ đẩy tỷ lệ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp đầu cơ (speculative grade) lên mức 4,6% vào cuối năm nay, từ mức 2,9% vào tháng 3.

Trái phiếu đầu cơ là loại trái phiếu có mức độ rủi ro cao hơn, hay còn gọi là trái phiếu rác (junk bond). Những trái phiếu này có lãi suất cao, nhưng đi kèm với đó là rủi ro cao gây nên khả năng vỡ nợ cao cho nhà phát hành.

Theo dự báo của Moody’s, đến cuối quý I năm nay, tỷ lệ vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu cơ trên toàn cầu có thể lên mức 4,9%. Mức này cao hơn nhiều so với tỷ lệ bình quân dài hạn là 4,1%.

Tương tự, một tổ chức đánh giá tín nhiệm lớn khác là S&P Global, tháng trước dự báo, đến cuối năm nay, 4% số trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu cơ ở Mỹ sẽ vỡ nợ, so với tỷ lệ 1,7% ghi nhận trước đó vào cuối năm 2022, do tăng trưởng kinh tế giảm tốc, doanh thu giảm và các điều kiện tài chính thắt chặt khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Một trong những lĩnh vực có rủi ro cao đó là bất động sản thương mại. Tình trạng giảm giá mạnh của các toà nhà văn phòng ở Mỹ trong năm ngoái do có nhiều văn phòng bị bỏ trống hoặc sử dụng không hết công suất vì nhiều người còn làm việc từ xa, có thể khiến chủ đầu tư rơi vào cảnh vỡ nợ, từ đó dẫn tới ảnh hưởng tới các ngân hàng.

Tin bài liên quan