Gương mạo kiến tạo hòa bình
Anh Văn - cái tên thân gần! Gọi anh trong nếp sống của một người thầy mô phạm, nhà giáo đầy đủ tâm thức - tri thức giàu lòng yêu nước, thương dân. Thầy giáo Võ Nguyên Giáp xếp bút nghiên lên đường ra mặt trận. Cái dũng của một vị tướng quân đầy mưu trí chiến lược, đã ra trận là đem về chiến thắng… Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với Điện Biên Phủ vọng cả đến năm châu, hoan ca trong lòng con dân đất Việt. Đẹp tựa trong sách xưa tương truyền dòng giống Lạc Hồng 50 người con lên rừng, 50 người con xuống biển. Tướng Giáp - người con đã lên rừng cũng là người con đã xuống biển, về biển, hoàn tất sự nghiệp cao cả bằng cả cuộc đời chỉ biết cho đi mà không tính toán.
Nhân ái yêu thương - thương yêu cả kẻ thù. Các tướng lĩnh Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia đã đến Việt Nam gặp lại ông trong nụ cười của tình bằng hữu cảm thông. Ông đã cùng cả dân tộc lấp đi những hố sâu của bom đạn, chiến tranh. Tình yêu đã san bằng những hố sâu ngăn cách của lòng hận thù! Tháo gỡ chiến tranh, gương mạo kiến tạo hòa bình.
Có một gia đình như thế
Căn nhà số 30 Hoàng Diệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường đầy ắp tiếng cười rộn rã, tiếng đàn ca trong bầu khí anh em gia đình gần gũi bên nhau. Vâng! Nếu được hỏi dân tộc này xin trả lời, Võ Nguyên Giáp là một đời sống hòa đồng gần với dân, thương đến dân như Cụ Hồ đã thương dân. Cho dù ở đâu, làm gì, là chiến sĩ, làm khoa học, kinh tế… hay nhân dân đến chơi với Đại tướng, lúc nào cánh cửa nhà rộng mở như lòng Tướng Giáp rộng mở đón tiếp trong bầu không khí chan hòa, gần gũi, thân thiện.
Đặc biệt, trong giới hoạt động văn học nghệ thuật, báo chí truyền thông, có ai mà chưa một lần đến với Tướng Giáp. Trong ông là một tâm hồn nghệ sĩ, đi vào lòng nghệ sĩ, trên từng trang báo. Ông chính là mạch nguồn khơi dậy cảm hứng cho những lao động sáng tạo nghệ thuật. Cũng từ ông, người ta có thể gửi gắm tâm sự, niềm vui và cả những nỗi buồn! Có biết bao chuyện đáng ghi nhớ của Tướng Giáp đã in đậm trong chúng ta như một kỷ niệm!
Tôi nhớ về một lần được cùng với anh em ca nhạc, các nhà thơ cùng đoàn dũng sĩ diệt Mỹ vào thăm Đại tướng. Chuyện vui thân mật cởi mở quá, Đại tướng gọi chúng tôi là bạn, xưng là mình, gọi cậu xưng tớ trong những câu chuyện rất dung dị. Đại tướng gọi: “Cảnh ơi (nhà thơ quân đội Phạm Ngọc Cảnh), tớ cho cậu giò phong lan này…”. Phạm Ngọc Cảnh vui vẻ nói với Đại tướng: “Thưa Đại tướng, tôi đang cần có cái để treo phong lan ạ”. (Lúc đó Phạm Ngọc Cảnh đang thiếu nhà ở). Đại tướng đã hiểu ý liền trả lời: “Tớ chỉ cho cậu được cái gì là của tớ thôi”. Trong tiếng cười vui thân mật, tôi nhận diện được ở vị Đại tướng một đời sống đơn sơ, giản dị, thanh liêm mà giàu tình người!
Người đã đi qua cuộc đời trên những trận tuyến và cả trận tuyến bằng cả “nỗi niềm” của chính mình, thầm lặng sống! Sống tin yêu trong mọi công việc.
Một sớm mai, tôi đến Hội Nhạc sĩ, Hội vừa có một chuyến đi xa mới về, trên gương mặt mỗi người còn đượm vẻ mệt mỏi. Hiện diện mới đây có anh cả Trọng Bằng, Cát Vận, Đỗ Hồng Quân cùng anh em trong Ban biên tập của Tạp chí lắng nghe những câu chuyện của anh cả Trọng Bằng ôn lại kỷ niệm những lần gặp Đại tướng. Sự mệt mỏi trong mỗi người tan biến hoà trong mối dây liên đới cùng một tâm tình sẻ chia!
Có một tiếng gọi thầm! Xin được cùng với hết mọi tâm hồn anh em văn nghệ sĩ tri ân nhớ về ông, vị tướng trong lòng dân tộc. “Nguyện làm sóng nhạc chân mây vỗ về”.
Quảng Bình! Nơi miền xa cát bụi về với trời xanh, hiện hữu giữa lòng đất Mẹ, người con Võ Nguyên Giáp là “sắc của đất - hương hoa mùa xuân cho đời…”.