Theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, ban hành ngày 31/12/2017, có hiệu lực từ 1/1/2018, các tài sản thuộc diện sắp xếp lại là nhà đất, ô tô, máy móc, thiết bị… Các doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng bao gồm các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên (ngoài đối tượng là các cơ quan nhà nước, các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ).
Đại diện một tổ chức đầu tư phản ánh, khi quyết định tham gia đấu giá cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa, bên cạnh các con số về tài chính, nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của tài sản, phần lớn là đất đai. Trong khi đó, quy định xử lý tài sản công như tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP không được đưa vào bản công bố thông tin/bản cáo bạch khi bán cổ phần ra công chúng.
Nay các quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP có thể ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư, chưa thể hiện chính sách nhất quán với nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Nhìn nhận về vấn đề trên, luật sư Phan Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định, công ty nhà nước là công ty mà Nhà nước nắm giữ 100% điều lệ. Vì vậy, các công ty mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên không phải là công ty nhà nước.
Tài sản có tại các công ty này là tài sản chung của các cổ đông công ty (bao gồm cổ đông nhà nước và các cổ đông khác). Do đó, không thể quy tài sản tại các công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn trở lên là tài sản công để tiến hành sắp xếp, xử lý như đối với tài sản tại các cơ quan nhà nước, công ty nhà nước.
Một số nhà đầu tư cho rằng, nếu thực hiện theo quy định nêu trên tại Nghị định 167/2017/CP-NĐ, vô hình trung sẽ tạo trở ngại cho việc tham gia của nhà đầu tư mua cổ phần cho các lần thoái vốn sắp tới của Nhà nước tại các công ty nhà nước mà sau cổ phần hóa vẫn nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên, do nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều.
Theo Nghị định 167/2017/CP-NĐ, bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất chủ trì tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng nhà đất và lập thành biên bản theo mẫu đối với từng cơ sở nhà đất.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra hiện trạng, bộ, cơ quan Trung ương xem xét, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất thuộc phạm vi quản lý, gửi lấy ý kiến của ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất có ý kiến bằng văn bản đối với phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc Trung ương quản lý, trên cơ sở đó, bộ, cơ quan Trung ương hoàn thiện phương án gửi Bộ Tài chính.
Bộ này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong trường hợp bộ và ủy ban nhân dân các tỉnh có ý kiến, quan điểm khác nhau với phương án. Bộ Tài chính cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Hoặc Bộ Tài chính xem xét phê duyệt phương án thuộc thẩm quyền của Bộ.
Với quy trình và quy định như trên, một số nhà đầu tư phản ánh, hiện tại, hồ sơ về đất đai, chuyển nhượng tài sản gắn liền quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án của không ít công ty cổ phần mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở lên và việc hoàn tất các thủ tục pháp lý về nhà đất của các công ty này đang bị tắc nghẽn tại ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đặc biệt là tại Hà Nội. Tình trạng này gây ra bức xúc và khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.