Chiều 25/7, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai họp khẩn để ứng phó với diễn biến bất thường của mưa lũ, đồng thời đưa ra đánh giá ban đầu về sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tại Lào.
Theo Ban chỉ đạo, sự cố xảy ra lúc 20h ngày 23/7 ở một đập phụ tại hồ thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, khi hồ này đang trong giai đoạn tích nước.
Nước từ hồ thủy điện đổ xuống hạ lưu gây ngập lụt nghiêm trọng, khiến nhiều người chết và mất tích; hàng nghìn người trong tình trạng không có nhà để ở.
Ngoài ra, Lào cũng đang xảy ra mưa lũ gây ngập lụt diện rộng. Báo cáo của Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA) cho hay, mưa lũ ở Lào đã ảnh hưởng đến 41 huyện, 349 ngôi làng, trên 3.400 gia đình; hơn 200 ngôi nhà bị phá hủy; hạ tầng giao thông hư hỏng.
Tại tỉnh Attapeu, hệ thống nước sạch đã bị cắt. Cách duy nhất để di chuyển đến vùng bị ảnh hưởng là bằng thuyền hoặc trực thăng.
Ngày 24/7, Chính phủ Lào ban bố tình trạng khẩn cấp tại huyện Samathay, tỉnh Attapeu.
Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nhận định, do ảnh hưởng của vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy, dòng chảy về đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng. Dự báo mực nước tại Tân Châu (An Giang) sẽ lên 7-10 cm so với điều kiện tự nhiên vào cuối tuần (khoảng ngày 27 đến 28/7 ).
Mức nước như trên không làm ảnh hưởng lớn đến diễn biến lũ trên đồng bằng. Mực nước lũ ở khu vực này sẽ gia tăng tự nhiên đến giữa tháng 8 và đạt đỉnh khoảng 3,2 m tại Tân Châu.
Người dân vùng ảnh hưởng tại Lào sơ tán tới nơi an toàn. Ảnh: Reuters.
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Lào
Tổng cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, ngay sau khi có thông tin vỡ đập thủy điện ở Lào, lãnh đạo Việt Nam đã điện thăm hỏi và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ nhân dân Lào khắc phục hậu quả.
Thủ tướng cũng chủ trì họp với các cơ quan chức năng để nhận định tình hình, xem xét triển khai các biện pháp cần thiết. Trước mắt, Quân khu 5 cử lực lượng, phương tiện đến hiện trường giúp đỡ người dân sở tại, và khi cứu hộ xong sẽ tặng lại chính quyền địa phương các phương tiện đã sử dụng.
Cùng ngày, trao đổi với VnExpress về sự cố trên, TS Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho hay, đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy có dung tích chứa lớn, tương đương với thủy điện Tuyên Quang ở Việt Nam.
"Theo thông tin được cập nhật thì lượng nước hồ này tích chưa đầy, khoảng 500 triệu m3, như vậy cũng là khá lớn nên khi vỡ đập, dòng nước quét qua nhiều làng mạc gây thiệt hại lớn", ông Tứ nhận định.
TS Đào Trọng Tứ và GS Phạm Hồng Giang (Chủ tịch Hội đập lớn) đều cho rằng hiện "chưa thể nói điều gì chính thức" về nguyên nhân dẫn đến sự cố, do tất cả thông tin mới chỉ ban đầu.
Tuy nhiên, hai chuyên gia này phân tích, về nguyên lý, mưa lớn kéo dài chỉ là một trong nhiều nguyên nhân tác động đến đập thủy điện, bởi khi xây dựng, nhà thiết kế phải tính được hết yếu tố cần thiết, bao gồm tần suất mưa để đảm bảo an toàn.
Theo ông Trần Đức Cường, Văn phòng thường trực Ủy ban sông Me Kong Việt Nam, với sự cố trên, ngoài thiệt hại về người và tài sản rất lớn, Lào còn bị tổn thất nặng nề về môi trường sinh thái, cần nhiều năm để hồi phục.
Ủy hội sông Me Kong quốc tế đang tiến hành đánh giá lưu vực sông Me Kong sau sự cố, quan trắc chế độ thủy văn để có đánh giá chính xác về môi trường tại các nước Lào, Campuchia, Việt Nam.
Qua sự cố ở Lào, ông Cường cho rằng, cơ quan chức năng Việt Nam cần quan tâm rà soát từ khâu thiết kế đến chất lượng xây dựng, chế độ vận hành các hồ đập trong nước. "Việt Nam thường xuyên xảy ra mưa lũ, do vậy cơ chế quan trắc, giám sát vận hành hồ để đảm bảo an toàn là hết sức cần thiết", ông Cường nêu.
TS Đào Trọng Tứ nói, Chính phủ đã có chương trình đảm bảo an toàn hồ đập trên toàn quốc, song đây là lúc quan tâm hơn đến công tác vận hành hồ chứa.
Đặc biệt, trong bối cảnh lũ ống lũ quét xảy ra nhiều, biến đổi khí hậu trên diện rộng thì quy trình vận hành các thủy điện phải được giám sát chặt chẽ.
Đêm 23/7, công trình thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy đang thi công ở Đông Nam Lào gặp sự cố, khiến 0,5 tỷ mét khối nước, đổ xuống hạ lưu. Ít nhất 100 người mất tích và nhiều người ở 6 làng thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào, được cho đã thiệt mạng.
Đập thủy điện này nằm trên 2 tỉnh Champasack và Attapeu, thuộc lưu vực sông Sekong. Dự án khởi công từ tháng 2/2013 và dự kiến bắt đầu phát điện thương mại vào năm 2019. Công trình được xây dựng, vận hành bởi Công ty năng lượng Xe Pian - Xe Namnoy, liên doanh giữa 4 đơn vị đến từ Hàn Quốc và Thái Lan.
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đại diện Bộ Công Thương thông tin, toàn quốc có 285 hồ thủy điện dung tích từ 50.000 m3 trở lên, trong đó Bộ quản lý 38 hồ chứa. Trước mùa mưa bão, Bộ đã cử các đoàn đi kiểm tra an toàn hồ đập, vị trí trọng yếu. "Các hồ đều đang vận hành an toàn theo đúng quy trình", đại diện Bộ Công Thương nói.
Tổng cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho hay, cả nước có trên 6.600 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó 336 hồ xung yếu cần chú ý trong mùa mưa, lũ năm 2018.