VNX sẽ góp phần giúp thị trường phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX).
VNX sẽ góp phần giúp thị trường phát triển bền vững

Sự kiện ra mắt VNX vào cuối năm 2021 được đánh giá là sự kiện quan trọng với các thành viên thị trường, đâu là những yếu tố để chúng ta kỳ vọng cho những thay đổi lớn, thưa ông?

VNX tiếp tục kế thừa những giá trị cốt lõi và phát triển những thành quả đạt được của 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Đồng thời, VNX phải tích hợp những triết lý phát triển trước kia của 2 sở để tạo ra được giá trị mới, nâng tầm phát triển trong giai đoạn mới, chứ không phải đơn thuần chỉ là một phép cộng cơ học.

Sự ra đời của VNX sẽ thống nhất các yếu tố gồm tư duy, chiến lược phát triển; mô hình quản trị; cơ chế quản lý, giám sát; giải pháp phát triển thị trường theo sản phẩm và dịch vụ. Chúng tôi cũng đưa ra phương châm hoạt động và công bố rộng rãi tới các thành viên thị trường với mong muốn tất cả đều đóng góp cho sự phát triển tích cực.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX).
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX).

Thứ nhất, đặt khách hàng là trung tâm. Khách hàng ở đây là nhà đầu tư (bên cầu) và tổ chức phát hành (bên cung). VNX cùng các thành viên trực thuộc sẽ phát triển sản phẩm, dịch vụ, tiện ích phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của nhà đầu tư, trong đó các cơ chế, phương thức giao dịch sẽ được xây dựng nhằm đáp ứng được tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Thứ hai, lấy công nghệ, sáng tạo đột phá làm trọng tâm. Thực tế, công nghệ luôn là bộ phận cốt lõi của một TTCK. Đây sẽ là một thách thức rất lớn, nhưng cũng là nhu cầu cho sự phát triển một thị trường tài chính hiện đại. Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ 4.0, sự giao thoa, tích hợp giữa các sáng tạo tài chính và sáng tạo công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho nhà đầu tư và tổ chức phát hành. Thị trường cần một hạ tầng công nghệ hiện đại, tích hợp toàn diện, có tính mở, thường xuyên cập nhật, theo kịp bước tiến công nghệ và sự phát triển của dịch vụ tài chính.

Thứ ba, VNX và các thành viên trực thuộc phải hoạt động dựa trên nền tảng công bằng, công khai và minh bạch. Đây vừa là quy định, vừa là nguyên tắc hoạt động của TTCK.

Sự phát triển của VNX sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ TTCK Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn, trở thành kênh dẫn vốn trung - dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Những yếu tố này, sẽ giúp TTCK tăng trưởng mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu, đồng thời tăng cường kết nối với các thị trường khu vực và quốc tế, qua đó thúc đẩy nhanh tiến trình nâng hạng TTCK Việt Nam và thu hút tốt hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ở nhiều quốc gia, việc hợp nhất các sở giao dịch chứng khoán không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, mà còn mang tính đa quốc gia, khu vực. Vì thế, TTCK Việt Nam cũng cần có một sở giao dịch thống nhất để tăng quy mô và vị thế, giúp hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, từ đó hỗ trợ việc thu hút tốt hơn các dòng vốn quốc tế vào nền kinh tế.

Cho đến nay, khung chính sách cho TTCK Việt Nam cũng tương đối đầy đủ, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư (sửa đổi) và các nghị định hướng dẫn luật cùng có hiệu lực vào đầu năm 2021. Các văn bản hướng dẫn dưới luật cũng đã được bổ sung, từng bước hoàn thiện theo sự phát triển và nhu cầu của thị trường.

Một trong những hoạt động đầu tiên sau khi hợp nhất, đó là từ ngày 1/1/2022, VNX phối hợp với Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) hiện thực hóa quy định tại Thông tư 57/2020/TT-BTC, qua đó chuyển toàn bộ 13 mã trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 162,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 16.210 tỷ đồng theo mệnh giá (100.000 đồng/trái phiếu) từ HOSE sang niêm yết tại HNX, thống nhất tổ chức thị trường giao dịch trái phiếu tại HNX.

Như vậy, tại thời điểm này, toàn bộ thị trường trái phiếu (bao gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) và thị trường chứng khoán phái sinh đã được thống nhất tổ chức tại một nơi duy nhất là HNX.

Đối với thị trường cổ phiếu, do liên quan tới hạ tầng công nghệ, nguồn lực, nên việc chuyển cổ phiếu vào tập trung giao dịch trên HOSE cần có lộ trình để bảo đảm sự thông suốt. Lộ trình này đã được quy định rõ tại Thông tư 57 và dự kiến sẽ được triển khai trước ngày 30/6/2025.

TTCK Việt Nam đã phát triển nhanh và mạnh mẽ trong 2 năm qua, nhưng vẫn cần có sự đổi mới để phát triển bền vững hơn. Ngay từ đầu năm 2022, các thành viên thị trường có thể chứng kiến những thay đổi nào?

Sau khi ban hành Điều lệ cho HOSE và HNX thì các đơn vị này đã đăng ký lại hoạt động kinh doanh, trở thành công ty con của VNX. Kể từ tháng 8/2021, VNX đã hoàn thành tiếp nhận quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu từ Bộ Tài chính đối với 2 sở này.

Theo đó, trong năm 2022, ngoài mô hình tổ chức, VNX còn tập trung vào các công việc sau: Thứ nhất, về cơ chế chính sách cho hoạt động nghiệp vụ, VNX đã hoàn thiện và ban hành lần lượt các quy chế nghiệp vụ nhằm thống nhất các tiêu chuẩn, tiêu chí về công bố thông tin, giao dịch và quản lý thành viên thị trường, bao gồm quy chế vận hành chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp trên HNX; quy chế công bố thông tin trên TTCK; quy chế đăng ký giao dịch; quy chế thành viên; quy chế giao dịch hợp đồng tương lai; quy chế niêm yết trên TTCK.

Điểm mới trong hoạt động nghiệp vụ được điều chỉnh bởi các quy chế này, đó là đơn giản hóa, thuận tiện hóa mọi hoạt động của thị trường nhằm tạo điều kiện tốt nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, VNX đã thống nhất các giải pháp kỹ thuật về cơ chế, phương thức giao dịch cho thị trường hiện nay như lô, biên độ giao dịch… trên cả HOSE và HNX.

Đối với hoạt động quản lý thành viên, công tác này đang được triển khai theo hướng thống nhất giữa các sở, hoạt động quản lý và đăng ký lại tư cách thành viên sẽ được tiết giảm tối đa các thủ tục hành chính; hoạt động kết nối kỹ thuật giữa thành viên với các sở sẽ được tạo mọi điều kiện tốt nhất nhằm bảo đảm hoạt động của thị trường không bị gián đoạn.

Thứ hai, về nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường, VNX đã ban hành quy chế của Hội đồng chỉ số và thành lập Hội đồng chỉ số, bao gồm các chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý, đơn vị truyền thông… để tham mưu, tư vấn nhằm rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc hoạt động của các bộ chỉ số tại 2 sở theo thông lệ quốc tế và khắc phục những hạn chế của những bộ chỉ số này.

Ngoài việc xem xét lại các bộ chỉ số, hoạt động hướng tới nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp cũng sẽ được VNX thúc đẩy mạnh. Trên cơ sở các chương trình về quản trị công ty thực hiện còn phân tán tại 2 sở, trong năm 2022, VNX sẽ sớm thống nhất, phối hợp với các đơn vị, cơ quan quản lý nhằm bổ sung, đa dạng hóa và hoàn thiện các chương trình này trong phạm vi toàn thị trường.

Thứ ba, về hạ tầng công nghệ thông tin, hiện nay, mỗi sở đều có kiến trúc riêng, trong khi đây là yếu tố cốt lõi, có tính quyết định cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường, từ việc phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, tiện ích, tới công tác quản lý, giám sát trên cơ sở thống nhất, tập trung.

Các hệ thống này đòi hỏi phải tích hợp với nhau, thường xuyên được cập nhật để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu tổ chức, vận hành thị trường, cũng như phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý giám sát.

Để đạt được các mục tiêu, phương châm đã đề ra, trong các năm tiếp theo, kể từ năm 2022, VNX bắt tay vào việc xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ chức năng của mình, bao gồm hệ thống giám sát mới nhằm giám sát chung toàn bộ thị trường; hệ thống thông tin về quản lý, giám sát thành viên; hệ thống tiếp nhận và công bố thông tin doanh nghiệp theo chuẩn XBRL…, song có lẽ quan trọng nhất là phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hỗ trợ VSD và HOSE sớm hoàn thiện và đưa vào hoạt động hệ thống giao dịch, thanh toán bù trừ mới đang được triển khai.

Có thành viên thị trường e ngại rằng, việc có thêm một cơ quan là có thêm thủ tục, thêm công đoạn cho các quyết định vốn dĩ rất cần kịp thời và có tầm nhìn xa của TTCK? Vậy đâu là những nguyên tắc mà VNX sẽ thực hiện để xóa đi những e ngại này?

Đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm, bởi làm sao để một tổ chức mới ra đời không những không cản trở, mà còn tạo ra xung lực thống nhất để thúc đẩy TTCK phát triển nhanh hơn, an toàn và bền vững hơn là vô cùng quan trọng.

Để xóa bỏ sự e ngại, chúng tôi đề ra 2 nguyên tắc căn bản: Một là, VNX sẽ xây dựng các cơ chế phân công, phân bổ công việc theo nguyên tắc chuyên nghiệp hóa và chuyên biệt hóa hoạt động thị trường giữa HOSE và HNX, cũng như giữa VNX và 2 công ty con này ở tất cả các hoạt động, từ tổ chức, vận hành thị trường, quản lý thành viên, tới nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin… để bảo đảm sẽ không có sự chồng chéo, hành chính hóa.

Hai là, duy trì kênh đối thoại thường xuyên với các thành viên để luôn lắng nghe và thấu hiểu thị trường. Trong quá trình hoạt động, nếu như phát sinh bất kỳ bất tiện nào xảy ra với các thành viên, nhà đầu tư và doanh nghiệp, chúng tôi luôn lắng nghe để kịp thời hoàn thiện.

Tin bài liên quan