VNPT đang xoay sở vận hành mô hình mới vào năm 2015 theo Quyết định 888/QĐ-TTg
Chưa kịp vận hành theo mô hình mới
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại Hội nghị phổ biến Quyết định 888/QĐ-TTg ngày 10/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014 - 2015, thì đến hết năm 2014, tập đoàn này phải hoàn chỉnh tất cả các nội dung trong Đề án để triển khai.
Mục tiêu của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và VNPT là phấn đấu hoàn thành tất cả các nội dung trong năm 2014 để từ ngày 1/1/2015 triển khai hoạt động của VNPT theo mô hình mới, phấn đấu hoàn thành Đề án tái cơ cấu trong năm 2015.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc VNPT cho hay, trong mô hình mới, VNPT sẽ tách bạch theo từng khối, từng lĩnh vực, gồm 3 trụ cột là khối hạ tầng (VNPT - NET), khối kinh doanh (VNPT - VinaPhone) và khối giá trị gia tăng (VNPT - Media).
Các khối này sẽ hoạt động độc lập, chuyên sâu, không phụ thuộc nhau và sẽ đánh giá hiệu quả công việc trực tiếp từ từng khối, từng đơn vị. Vì vậy, trong mô hình mới này, VNPT sẽ phân bổ lại nguồn lực, tài lực đúng chỗ, đúng việc để không chồng chéo.
Tại Hội nghị giao ban về quản lý nhà nước tháng 11/2014, ông Trần Mạnh Hùng cho biết, VNPT đã hoàn thành việc sắp xếp lại, tái cơ cấu 63 đơn vị viễn thông tỉnh, với gần 17.000 trong tổng số 36.000 lao động của Tập đoàn được chuyển sang làm kinh doanh. Các đơn vị này đang hoạt động khá tốt theo mô hình mới.
Nhưng việc hoàn thành tái cơ cấu các đơn vị tại 63 tỉnh, thành phố chỉ là điều kiện cần để VNPT hoạt động theo mô hình mới. Còn điều kiện đủ để bộ máy hoạt động trơn tru là việc thành lập 3 tổng công ty.
Thế nhưng, thời điểm này, VNPT vẫn đang chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ trong việc phê duyệt thành lập 3 tổng công ty VNPT- VinaPhone, VNPT - Net và VNPT - Media để thực sự ổn định bộ máy, xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Ông Hùng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép VNPT sắp xếp trước một số công ty để khi có Quyết định chính thức từ Thủ tướng Chính phủ thì toàn bộ hệ thống sẽ ở trạng thái sẵn sàng, có thể triển khai được ngay.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành liên quan để lập Đề án thành lập 3 tổng công ty thuộc VNPT trình Chính phủ phê duyệt. Sau khi thẩm định, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nhanh chóng hoàn thiện Đề án và trình các cấp xem xét.
VNPT đẩy nhanh tiến độ thoái vốn
Trong một diễn biến mới nhất về hoạt động thoái vốn của VNPT tại 63 công ty mà VNPT sở hữu một phần vốn, đầu tháng 12/2014, VNPT ra thông báo về thoái vốn khỏi Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC) bằng việc đăng ký bán toàn bộ 3 triệu cổ phiếu công ty này mà VNPT đang nắm giữ, tương đương 30% vốn điều lệ. Đây là một trong 54 công ty cổ phần (cùng với 4 công ty trách nhiệm hữu hạn, 4 quỹ và 1 ngân hàng thương mại cổ phần) mà VNPT phải thoái vốn toàn bộ trong năm 2014 - 2015, tổng số tiền VNPT phải thoái vốn là hơn 2.303 tỷ đồng.
VNPT cho biết, đến hết tháng 11/2014, Tập đoàn đã thoái vốn thành công tại một số doanh nghiệp mà VNPT giữ nhiều vốn sở hữu, như thoái 400 tỷ đồng đầu tư vào CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM), thoái hơn 1 triệu cổ phiếu tại CTCP
Sonadezi Long Thành, thoái 585.570 cổ phiếu tại Tổng công ty Bảo Minh… Hiện tại, VNPT đang tiếp tục kế hoạch thoái vốn tại Maritime Bank, với giá trị lên tới 700 tỷ đồng.
Đại diện VNPT cho hay, chiến lược của VNPT là ban đầu tập trung vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, sau đó sẽ thoái dần ở những đơn vị vốn đầu tư ít. Theo lộ trình thoái vốn, đến năm 2015, VNPT sẽ thoái hết vốn ở tất cả những đơn vị trong danh sách này.