VNH: sau lãi lớn là giải thể?

VNH: sau lãi lớn là giải thể?

(ĐTCK) 29 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá cổ phiếu VNH của CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (vốn điều lệ 80 tỷ đồng) từ mức 1.700 đồng/cổ phiếu lên 7.900 đồng/cổ phiếu thể hiện 2 quan điểm hoàn toàn khác nhau của thị trường trong định giá VNH. Tuy nhiên, phía sau động lực giúp VNH tăng giá, lại là những nỗi lo không nhỏ.  

Bán tài sản, lãi lớn và tăng giá

Đầu tháng 10/2013, cổ phiếu VNH chỉ giao dịch ở mức 1.700 đồng/CP đến 2.000 đồng/CP, bằng xấp xỉ 0,2 lần giá trị sổ sách của Công ty. Mức quy chiếu này thường áp dụng cho các DN chờ giải thể, phá sản.

Điều này cũng không ngạc nhiên khi từ cuối năm 2010, VNH liên tục ghi nhận con số lỗ, lãi rất nhẹ (chủ yếu là vài chục đến vài trăm triệu đồng), hoặc lỗ nặng. Những con số kết quả kinh doanh xấu đều của Việt Nhật cho thấy, mức độ khó khăn của Công ty trong suốt hơn 3 năm vừa qua.

Hai quý đầu năm nay, lỗ của VNH có phần leo thang. Quý I/2013, Công ty hạch toán lỗ 2,947 tỷ đồng. Quý II/2013 lỗ 5,028 tỷ đồng. Tuy nhiên, quý III/2013, VNH bất ngờ ghi nhận lãi trên 6,68 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là tăng doanh thu (bao gồm doanh thu chuyển nhượng bất động sản).

Đây là động lực giúp giá cổ phiếu VNH có chuỗi ngày tăng giá ấn tượng. 29 phiên tăng trần, giá tăng thêm 360%, đạt cao nhất tới 7.900 đồng/CP, mức tăng ấn tượng trong khoảng thời gian trên của TTCK. Kỳ vọng về một sự hồi sinh của VNH trong công chúng NĐT trỗi dậy?

  VNH: sau lãi lớn là giải thể? ảnh 1

Có thể sẽ lãi lớn quý IV/2013

Sau khi công bố kết quả kinh doanh khả quan vào quý III/2013, VNH tiếp tục khiến NĐT nuôi hy vọng, khi công bố chuyển nhượng thành công quyền sử dụng đất, tài sản trên đất, máy móc thiết bị tại địa chỉ C34/1 đường số 2G, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP. HCM cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn-TNHH một thành viên, với tổng giá trị 55,565 tỷ đồng.

Với những NĐT khát khao lợi nhuận, đây thực sự là một tin vui, bởi với con số doanh thu trên, VNH có thể sẽ ghi nhận khoản lãi không nhỏ.

Cụ thể, thời điểm 30/9/2013, tổng giá trị tài sản cố định hữu hình và vô hình của VNH là gần 39 tỷ đồng. Bán bao nhiêu phần trong số tài sản cố định mà VNH đang sở hữu đi nữa, VNH cũng có lãi. Lãi trước thuế ít nhất là 15 tỷ đồng (chưa tính phí giao dịch).

 

Tương lai VNH sẽ đi về đâu?

Ước lãi lớn, nhưng đà tăng giá của cổ phiếu VNH bắt đầu đảo chiều từ cuối tuần trước. VNH sẽ đi về đâu đang là câu hỏi khó.

Bản cáo bạch niêm yết cổ phiếu VNH cho thấy, trước năm 2012, diện tích đất tại C34/1 đường số 2G, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP. HCM là trụ sở của Công ty và cũng là nơi VNH để 2 xưởng sản xuất của mình. Ngoài nơi này, VNH không sở hữu trực tiếp bất kỳ diện tích nhà xưởng nào khác.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư 1 nhà máy thông qua công ty con (sở hữu 100% vốn) là Công ty TNHH Đồ hộp Phú Nhật, có trụ sở tại đường Lãnh Binh Thái, Cần Giuộc, Long An.

Đồ hộp Phú Nhật kinh doanh thua lỗ. Từ chỗ là công ty con, VNH giảm tỷ lệ sở hữu, về thành công ty liên kết. Đến đầu tháng 11, VNH thông qua chủ trương thoái vốn tại đây, nhưng với một điều khoản rất thú vị.

Ghi nhận giá trị sổ sách còn lại 24 tỷ đồng (đến hết quý III/2013), VNH dự kiến bán khoản đầu tư trên với giá hơn 35 tỷ đồng, với điều kiện Đồ hộp Phú Nhật xin… trả dần trong 10 năm, tính từ năm 2015, có kèm thêm lãi suất tính theo mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của Vietinbank Chi nhánh TP. HCM.

Là một công ty chuyên về sản xuất, chế biến, thoái vốn khỏi Phú Nhật đồng nghĩa với việc Việt Nhật thu hẹp sản xuất trong lĩnh vực này. Nhưng mức độ thu hẹp không chỉ dừng ở việc bán công ty liên kết.

Lần giở báo cáo tài chính của Việt Nhật, Việt Nhật không đầu tư thêm nhà xưởng và diện tích đất nào từ 2010 - 2011, ngoài phần tại Nhà máy Phú Nhật và tại trụ sở của Công ty. Trong năm 2012, Việt Nhật có đầu tư thêm 11,439 tỷ đồng tiền vào việc tăng giá trị quyền sử dụng đất, 6,561 tỷ đồng vào nhà cửa, vật kiến trúc. Máy móc, thiết bị nhà xưởng chỉ được tăng mới 77,8 triệu đồng.

Điều này có nghĩa là, nếu bán đi toàn bộ những gì thuộc về quyền sử dụng đất, máy móc, trang thiết bị tại trụ sở chính, Việt Nhật sẽ không còn gì để sản xuất?

Trong phương án chuyển nhượng bất động sản đầu năm nay, HĐQT Công ty đề xuất sẽ thuê lại một xưởng sản xuất từ chính đối tác mua lại nhà máy để kinh doanh. Nhưng liệu VNH có kinh doanh nữa không, khi số tiền từ bán nhà xưởng, sau khi trừ thuế, có lẽ chỉ đủ để Công ty tất toán nợ ngắn hạn (trên 43,6 tỷ đồng tính tại thời điểm 30/9/2013)?

Thêm vào đó, tại thời điểm 30/9/2013, VNH có số dư hàng tồn kho bằng 0, thể hiện việc VNH thực ra đã dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Đến giờ này, sau khi lên phương án bán hết phần vốn tại công ty liên kết, nhà xưởng, quyền sử dụng đất tại trụ sở chính, thứ còn lại với VNH có lẽ chỉ là những khoản phải thu cao ngất ngưởng và có thể là một phần tài sản cố định mà Công ty đầu tư năm 2012 (hiện không rõ đã bán hay chưa).

Với một công ty kinh doanh trong lĩnh vực chế biến, gia công thực phẩm xuất khẩu, mà hoạt động chính chỉ là… thu nợ, thì giải thể chắc là cái đích trong một ngày không xa.

>> Ngành thủy sản: Giá trị nào trong mắt NĐT?