VNG cho biết trong hồ sơ rằng họ dự định chào bán khoảng 21,7 triệu cổ phiếu với mức giá đề xuất vẫn chưa được ấn định.
Trong hồ sơ gửi SEC, VNG cho biết số tiền thu được từ đợt IPO sẽ được sử dụng để trả cho các nhà đầu tư nước ngoài ban đầu là cổ đông trực tiếp của công ty và trả các khoản vay chưa trả. VNG đồng thời có kế hoạch tài trợ cho khoản đầu tư vào công ty khởi nghiệp 01Fintech, cùng với những công ty khác.
Được thành lập vào năm 2004, VNG là kỳ lân đầu tiên của Việt Nam - công ty khởi nghiệp có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên - và đã ký thỏa thuận sơ bộ vào năm 2017 với Sàn giao dịch Nasdaq để tiến hành IPO.
Theo hồ sơ, Citigroup, Morgan Stanley, UBS và Bank of America là những nhà bảo lãnh cho đợt IPO. Đợt IPO của VNG diễn ra sau đợt IPO gần đây của VinFast tại Mỹ và có thể giúp tạo thêm động lực cho các công ty Đông Nam Á khác đang tìm kiếm hoạt động IPO tại Mỹ.
“Mặc dù kết quả trong tương lai của kế hoạch IPO của các công ty khởi nghiệp này không thể được đảm bảo, nhưng sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc niêm yết quốc tế và sự hiện diện của những công ty đáng chú ý trong khu vực cho thấy một bối cảnh đầy hứa hẹn cho các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang tìm cách mở rộng phạm vi tiếp cận và tiếp cận thị trường vốn toàn cầu”, Seth Farbman, chủ tịch và đồng sáng lập của công ty VStock Transfer có trụ sở tại New York cho biết.
Mặc dù chỉ định chào bán khoảng 21,7 triệu cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) - chiếm 15,8% số cổ phiếu đang lưu hành của công ty, VNG vẫn chưa đưa ra mức giá đề xuất. DealStreetAsia đã báo cáo vào năm ngoái rằng VNG dự định chào bán 12,5% cổ phần khi ra mắt thị trường đại chúng. Cổ phiếu phổ thông loại B (Class B) thuộc sở hữu của đồng sáng lập Lê Hồng Minh - Tổng giám đốc và Vương Quang Khải - Phó tổng giám đốc thường trực của VNG sẽ không được chào bán trong đợt IPO dự kiến.
Cổ phiếu phiếu lưu hành của VNG Limited được chia làm hai loại gồm cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B). Trong đó, 1 cổ phiếu loại B tương ứng với 10 quyền biểu quyết, trong khi 1 cổ phiếu loại A chỉ tương ứng với 1 quyền biểu quyết.
Hậu IPO, VNG Limited nắm giữ 49% tỷ lệ sở hữu trực tiếp của VNG Corporation, và sở hữu gián tiếp 21,3% cổ phần thông qua BigV Technology.
Sau khi hoàn tất giao dịch IPO, Tencent sẽ là cổ đông lớn nhất tại VNG khi nắm giữ 47,4% cổ phiếu loại A, trong khi quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore nắm giữ 11,1%, Temasek 6,9% và Ant Group 5,7%.