Đại hội cổ đông của VNG vào ngày 30/6/2016 đã thông qua việc bổ sung đăng ký thêm ngành nghề kinh doanh mới, bao gồm: Sản xuất linh kiện điện tử; Sản xuất máy vi tính và thiết bị ngoại vi của máy vi tính; Sản xuất thiết bị truyền thông; Sản xuất đồ điện dân dụng; Bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh…
Với thông tin trên, nhiều người đặt ra câu hỏi, VNG sẽ tiến vào mảng bán lẻ, tương tự như một đơn vị công nghệ lớn đã từng làm? Trong khi đó, nhiều người khác còn đặt ra vấn đề khi VNG mở rộng thêm ngành nghề hoàn toàn mới so với thế mạnh của mình thì có phải đi trái với những định hướng trước đó hay không? Hay VNG đang bắt đầu thay đổi một chiến lược khác?
Tuy nhiên, xác nhận với Dân trí, đại diện từ VNG cho biết: "Việc mở rộng ngành nghề kinh doanh là bình thường đối với các doanh nghiệp và với một công ty Internet chọn slogan là “đón nhận thách thức”, thì không có gì là trái với định hướng hoạt động trước đây".
Đại diện công ty này cũng cho biết, nhóm ngành nghề bổ sung lần này khá đa dạng, nhiều hoạt động. Tuy nhiên, hiện VNG đang tập trung chủ yếu vào sản xuất phần cứng.
Hiện hoạt động sản xuất phần cứng đang trực thuộc bộ phận IoT của VNG. Cụ thể, IoT sẽ chuyên nghiên cứu về công nghệ nền tảng và các giải pháp toàn diện từ phần cứng, phần mềm đến trình điều khiển (firmware).
Các sản phẩm bao gồm: các sản phẩm kết nối trung tâm, các module kết nối không dây, giải pháp tích hợp thiết bị thông minh, các sản phẩm kết nối không dây trung tâm (IoT gateway), các module kết nối không dây (Bluetooth Low Energy , Zigbee, Wifi , Lora), giải pháp Cloud (điện toán đám mây), tích hợp giải pháp thanh toán vào thiết bị, giải pháp quản lý theo dõi vận động viên trong sự kiện thể thao, giải pháp máy bán hàng thông minh, thiết bị hỗ trợ việc thanh toán thông minh (NFC, BLE, Sound, QR Code…
Ngoài ra, đại diện VNG cũng không tiết lộ thêm về việc tấn công vào mảng bán lẻ và chỉ cho biết rằng, nó sẽ không đến trong tương lai gần.
VNG là công ty được lọt vào danh sách “40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam và xếp thứ 27 với tổng giá trị thương hiệu là 35,5 triệu USD do Forbes bình chọn.