Cụ thể, Chính phủ đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ tài khóa trong nửa cuối năm nay để hỗ trợ tăng trưởng, tập trung vào giảm thuế và phí (giảm 2% thuế VAT, giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước). Ước tính quy mô của 2 gói này lên tới 33 nghìn tỷ đồng. Chính sách cắt giảm thuế sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước giai đoạn 6 tháng cuối năm 2023.
Ngoài ra, Chính phủ đã tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 01/07/2023. Đợt tăng này sẽ cải thiện khá đáng kể thu nhập của những người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Ước tính ngân sách Nhà nước chi cho chính sách này trong năm 2023 là khoảng 44 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, Chính phủ cũng điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội do ngân sách nhà nước chi trả từ ngày 01/07. Ngân sách chi cho chính sách này ước tính khoảng 3.550 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của VNDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0 - 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong những quý tới.
“Sức hấp dẫn của kênh tiền gửi giảm khi so với kênh đầu tư chứng khoán”, VNDirect nhấn mạnh thêm.
Cụ thể, tỷ suất thu nhập trên giá (E/P) của VN-Index trung bình trong tháng 7 khoảng 7,3%. Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 12 tháng đã nới rộng nhẹ do đà giảm của lãi suất huy động nhanh hơn mức giảm của E/P (chủ yếu do đà tăng của VN-Index).
Mặc dù khoảng cách hiện tại giữa E/P và lãi suất huy động vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn tháng 10-11/2022, nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện kể từ quý III/2023 và mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm thêm khoảng 0,3-0,5 điểm % xuống 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2023 thì kênh chứng khoán sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với kênh tiền gửi.