Tăng trưởng tín dụng nhiều khả năng tăng tốc trong vài quý tới
Theo Báo cáo của VNDIRECT, tín dụng toàn ngành tính đến ngày 25/11 tăng lên 10,1% so với đầu năm từ mức 8,7% so với đầu năm vào ngày 29/10 hoặc từ mức 7,9% so với đầu năm vào cuối 9 tháng đầu năm 2021, và cao hơn nhiều so với mức 8,4% trong 11 tháng đầu năm 2020.
VNDIRECT kỳ vọng tín dụng toàn hàng sẽ tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm 2021 và phục hồi lên mức 13-14% so với cùng kỳ vào năm 2022 nhờ, hoạt động sản xuất và thương mại phục hồi mạnh mẽ nhờ sự gia tăng của nhu cầu trong và ngoài nước; lãi suất cho vay thấp kích thích nhu cầu vay mua nhà và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn.
Trong 9 tháng năm 2021, tín dụng tăng nhẹ lên 7,9% so với đầu năm lên 9.917 nghìn tỷ đồng, nhờ vào tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ của ngành công nghiệp và thương mại. Tăng trưởng tín dụng của ngành công nghiệp và thương mại đã phục hồi lên 12,2% so với đầu năm và 10,5% so với đầu năm, sau mức tăng kém hơn của cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, tín dụng lĩnh vực xây dựng gần như đi ngang (chỉ tăng 0,5% so với đầu năm) do giãn cách xã hội, gián đoạn chuỗi cung ứng vật tư và thiết bị, và việc tăng giá vật liệu kìm hãm việc thi công các công trình xây dựng trên toàn quốc.
Ba ngân hàng niêm yết có vốn nhà nước (BID, VCB, CTG) chiếm 33,8% thị phần cho vay cả nước, ghi nhận tăng trưởng tín dụng 9,1% so với đầu năm tại cuối quý 3 năm 2021, cao hơn mức tăng hệ thống. Tổng dư nợ cho vay của 17 ngân hàng niêm yết (chiếm 65,3% tín dụng toàn hệ thống) chỉ tăng đạt 9,5% so với đầu năm vào cuối tháng 9 năm 2021 từ mức tăng 8% vào cuối tháng 6 năm 2021, do việc áp dụng giãn cách xã hội trên toàn quốc đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, hạn chế hoạt động tín dụng trong quý III/2021. Trong 9 tháng năm 2021, TCB, MBB và VCB ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao nhất lần lượt là 15,7%, 12,8% và 11,5%.
Cân đối giữa tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản năm 2022
Các ngân hàng tiếp tục ghi nhận tỷ suất sinh lợi trên tài sản sinh lãi giảm do động thái giảm lãi vay nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 (như đã thực hiện trong năm 2020). Đối với các ngân hàng niêm yết có vốn nhà nước, tỷ suất này đã giảm 55 điểm cơ bản trong 9 tháng năm 2021 xuống còn 5,8% từ mức 6,4% năm 2020 (giảm 75 điểm cơ bản so với cùng kỳ); trong khi đó các ngân hàng tư nhân niêm yết giảm 47 điểm cơ bản trong 9 tháng năm 21 xuống 8,3% từ mức 8,7% (giảm 72 điểm cơ bản so với cùng kỳ).
Thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay từ ngày 15/07/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế của 16 ngân hàng thương mại là 15.559 tỷ đồng (75,48% cam kết). Cuối quý III/2021, tổng nợ tái cơ cấu của các ngân hàng: ACB, TCB, VIB, TPB, VCB, VPB, BID, CTG, HDB và MBB đạt 82.441 tỷ đồng (chiếm 0,8% dư nợ toàn hệ thống cuối quý III/2021).
Chi phí vốn (COF) trung bình của các ngân hàng niêm yết có vốn nhà nước giảm 56 điểm cơ bản còn 3,3% trong 9 tháng năm 2021 (giảm 85 điểm cơ bản so với cùng kỳ); các ngân hàng tư nhân niêm yết cũng ghi nhận COF giảm 76 điểm cơ bản trong 9 tháng năm 2021 xuống mức 3,9% (giảm 106 điểm cơ bản so với cùng kỳ). Chính sách nới lỏng tiền tệ của NHNN đã giúp các ngân hàng giảm COF.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng dao động trong khoảng 4-6% trong 9 tháng năm 21, giảm 10% từ mức 14-15% trong 2010-2011 và đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong khu vực Đông Nam Á do lạm phát tại Việt Nam hiện vẫn được kiểm soát tốt.
Theo đó, NIM (dự báo cả năm) của các ngân hàng niêm yết, theo VNDIRECT, sẽ tăng 34 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên mức trung bình 4,0% trong 9 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng, việc cải thiện NIM sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2021 và thậm chí giảm vào năm 2022 do các ngân hàng đã được yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng. Mặt khác, VNDIRECT thấy chất lượng tài sản ngân hàng suy giảm nhẹ với tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng lên 1,64% vào cuối quý III/2021 từ mức 1,49% cuối quý II/2021.
Ngoài ra, nợ tái cơ cấu toàn hệ thống đã tăng lên 250 nghìn tỷ đồng (2,5% tín dụng hệ thống) vào cuối tháng 11 từ mức 227 nghìn tỷ đồng vào cuối tháng 8, theo NHNN. Do đó, các ngân hàng sẽ phải cân bằng lại giữa mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận và kiểm soát chất lượng tài sản trong bối cảnh NIM thấp hơn và khẩu vị rủi ro ngày càng tăng. VNDIRECT dự báo các ngân hàng trong danh mục của công ty này sẽ đạt tăng trưởng lợi nhuận 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và 18,8% năm 2022.
Kinh tế phục hồi năm 2022 báo hiệu tốt cho các ngân hàng
Báo cáo của VNDIRECT kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng tốc vào năm 2022 nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu phục hồi và các chính sách tài khóa hỗ trợ và ngân hàng sẽ là đại diện tiêu biểu cho sự hồi sinh kinh tế Việt Nam.
Các ngân hàng đã có nguồn dự phòng dồi dào cho các khoản vay rủi ro và NIM ít bị ảnh hưởng (ít ảnh hưởng hơn đến thu nhập lãi, lợi thế về chi phí vốn).
Rủi ro chính là việc xuất hiện các biến thể mới của chủng virus cản trở sự hồi phục của nền kinh tế; và lạm phát cao hơn dự kiến sẽ cản trở việc mở rộng cho vay.