VNDIRECT mong muốn tạo “nếp sống” đầu tư tích sản

VNDIRECT mong muốn tạo “nếp sống” đầu tư tích sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, trong sứ mệnh của mình, VNDIRECT luôn mong muốn giúp khách hàng có thể tiếp cận đầu tư như một kỹ năng sống thiết yếu, thông qua việc xây dựng một hệ sinh thái cung cấp đầy đủ sự lựa chọn và đồng hành trên hành trình đầu tư của khách hàng.

Ông có thể chia sẻ về sự chuyển dịch mô hình kinh doanh của VNDIRECT?

Với slogan “Go Online-Go Direct”, VNDIRECT được thành lập với sứ mệnh giúp nhà đầu tư tiếp cận thị trường chứng khoán một cách dễ dàng nhất dựa trên nền tảng cốt lõi là công nghệ và đội ngũ con người được xây dựng dựa theo văn hoá phụng sự.

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, VNDIRECT đã làm mới lại định vị của mình khi chứng kiến những thăng trầm của thị trường cũng như nhà đầu tư, với mong muốn giúp nhà đầu tư hình thành thói quen và “nếp sống” đầu tư tích sản, từ đó có thể xây dựng sức khoẻ tài chính và bảo an thịnh vượng cho tương lai.

Kể từ năm 2017, VNDIRECT dần dịch chuyển mô hình kinh doanh từ việc tập trung vào dịch vụ môi giới giao dịch chứng khoán truyền thống sang mô hình lan tỏa tri thức, kỹ năng đầu tư và tạo dựng hệ sinh thái dịch vụ đầu tư đa kênh tài sản cho nhà đầu tư cá nhân. Đây là một bước đi lớn đòi hỏi sự chuyển dịch đồng bộ về thiết kế, kiện toàn chuỗi giá trị hướng tới khách hàng; về nền tảng hạ tầng công nghệ đáp ứng nhu cầu cho một hệ sinh thái đầu tư đa kênh tài sản, với năng lực phục vụ đến những khách hàng đại trà nhất; về đội ngũ con người chuyên môn với năng lực dấn thân phụng sự.

Trong 4 năm vừa qua, sự phát triển của các sản phẩm đầu tư mới như trái phiếu, chứng chỉ quỹ cũng như sự bùng nổ về số lượng nhà đầu tư đã giúp VNDIRECT liên tục hoàn thiện năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ để có thể đồng hành cùng các khách hàng theo la bàn đầu tư DGO và tháp tài sản VNDIRECT kiến tạo dựa trên sự phù hợp với mỗi nhà đầu tư.

Diễn biến điều chỉnh của thị trường trong hơn 2 tháng gần đây khiến nhiều người thua lỗ, nhất là các nhà đầu tư mới. Tình hình nhà đầu tư tại VNDIRECT như thế nào và ông có lời khuyên gì đối với họ?

Nhìn một cách tổng quan, nếu những nhà đầu tư tham gia thị trường cổ phiếu không phải cách đây 2 tháng mà kể từ đầu năm 2022 thì hơn 90% nhà đầu tư đang ở trạng thái giá trị tài sản ròng tạm tính giảm.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, mức giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán là sự phản ánh của yếu tố “cung - cầu”. Việc xác định lãi/lỗ dựa trên mức giá đang giao dịch trên thị trường là không thực sự chính xác. Thực tế, xác định thiệt hại trong đầu tư tài chính rất rộng, phụ thuộc vào chiến lược, mục tiêu cụ thể khi tham gia thị trường của từng nhà đầu tư. Ví dụ, một nhà đầu tư tham gia chiến lược đầu tư tích sản định kỳ của VNDIRECT khi đang trong giai đoạn tích luỹ tài sản (mua) thì không xem biến động giá ngắn hạn là một khoản lỗ. Trong khi đó, một nhà đầu tư mới mở tài khoản chứng khoán trong năm 2022 với mục đích đầu cơ sinh lời thì xác suất cao đang trong tình trạng thua lỗ. Do đó, nhà đầu tư cần hiểu rõ mục tiêu và chiến lược đầu tư của mình khi tham gia thị trường.

VNDIRECT đã thiết kế các gói sản phẩm đáp ứng các mục tiêu đầu tư khác nhau của khách hàng. Với mô hình đầu tư tích sản, mỗi tháng nhà đầu tư có thể trích từ 5 - 7 triệu đồng để tích lũy cổ phiếu, hướng đến tăng trưởng tài sản dài hạn, đây là lựa chọn phù hợp trong giai đoạn mới tham gia thị trường. Theo thống kê, việc đầu tư vào nhóm cổ phiếu có nền tảng tốt trong thời gian dài đạt mức tăng trưởng trung bình 15 - 20%/năm. Đây là mức sinh lời hấp dẫn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiết kiệm những năm gần đây giảm nhanh.

Theo ông, trong nửa cuối năm 2022, nhà đầu tư nên quan tâm đến các nhóm ngành nào?

Nhìn về nửa sau năm 2022, tôi cho rằng, có 4 câu chuyện đầu tư chính: một là, sự hồi phục của nhu cầu tiêu dùng nội địa sẽ hỗ trợ cho các ngành bán lẻ, du lịch, hàng không; hai là, sự bùng nổ của giá dầu cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành dầu khí từ các dự án trọng điểm sắp triển khai; ba là, Chính phủ đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023, tạo động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong ngành hạ tầng; bốn là, các nhóm ngành có tính chất phòng thủ được quan tâm nhiều hơn trong môi trường lạm phát, điển hình là nhóm cổ phiếu năng lượng.

Tin bài liên quan