VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 5,5% trong kịch bản cơ sở

VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 5,5% trong kịch bản cơ sở

VNDIRECT dự báo lạm phát bình quân năm 2021 chỉ là 2,4%, đưa 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo Cập nhật vĩ mô “Tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ đại dịch" của VNDIRECT đã hạ dự báo lạm phát bình quân năm 2021 xuống còn 2,4% do nhu cầu tiêu dùng trong nước và giá các dịch vụ thiết yếu giảm.

Theo Báo cáo, lạm phát của Việt Nam đã tăng lên 2,6% so với cùng kỳ vào tháng 7/2021 (so với mức 2,4% trong tháng trước). CPI theo tháng tăng 0,6% so với tháng trước, chủ yếu do chỉ số giá giao thông tăng 2,4% so với tháng trước, chỉ số nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,9%, chỉ số giá lương thực và thực phẩm tăng 0,7%.

Tuy nhiên, chỉ số CPI trong giai đoạn tháng 4 - tháng 7 thấp hơn ước tính trước đó của VNDIRECT do, thứ nhất, chỉ số lương thực thực phẩm thấp hơn dự kiến trong bối cảnh giá thịt lợn giảm mạnh trong 4 tháng qua; thứ hai, nhu cầu tiêu dùng giảm sau khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ 4 bùng phát.

“Bên cạnh đó, Chính phủ đã thông báo giảm giá, phí các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, viễn thông cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Điều này sẽ giúp kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021. Do đó, VNDIRECT đã hạ dự báo CPI bình quân năm 2021 xuống 2,4% (+/- 0,2 điểm %) so với dự báo trước đó là 2,9%”, Báo cáo nhận định.

Hai kịch bản tăng trưởng cho nửa cuối năm 2021

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 ảnh hưởng lớn đến mọi khía cạnh của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong ngành dịch vụ và thị trường lao động. Do đó, VNDIRECT điều chỉnh lại dự báo của mình và đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho nửa cuối năm 2021 dựa trên tình hình dịch bệnh.

Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam xuống 5,5% so với dự báo trước đó là 6,5%.

Dự báo của VNDIRECT dựa trên các giả định chính như: Việt Nam cơ bản kiểm soát được làn sóng lây nhiễm thứ tư trong tháng 8/2021 và đẩy lùi hoàn toàn vào cuối quý III/2021;

Việt Nam có thể ngăn chặn hiệu quả lây nhiễm trong các khu công nghiệp và duy trì chuỗi cung ứng sản xuất không bị gián đoạn bởi đại dịch;

Việt Nam có thể đẩy nhanh triển khai vắc xin cho đến cuối năm 2021. Theo kịch bản cơ sở của VNDIRECT, khoảng 50% dân số Việt Nam sẽ được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm 2021;

Việt Nam có thể thí điểm mở cửa trở lại một số khu du lịch như đảo Phú Quốc cho khách du lịch quốc tế kể từ quý IV/2021;

Các nền kinh tế lớn, chẳng hạn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc tiếp tục tăng tốc triển khai vắc xin và đẩy mạnh mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trong kịch bản cơ sở của VNDIRECT, ngành dịch vụ có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng lây nhiễm thứ tư.

Một số phân ngành dịch vụ, bao gồm; các hoạt động dịch vụ lưu trú và ăn uống; vận tải và kho bãi; nghệ thuật và giải trí; các hoạt động dịch vụ hỗ trợ hành chính, có thể ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý III/2021 trước khi phục hồi trở lại vào quý IV/2021 sau khi Chính phủ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội ở các tỉnh phía Nam và cho phép các dịch vụ không thiết yếu được mở cửa trở lại.

VNDIRECT dự báo ngành dịch vụ tăng 3,2% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm, thấp hơn mức tăng 4,0% và 3,6% tương ứng trong 6 tháng đầu năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2020.

Ngành công nghiệp và xây dựng cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch lần thứ tư do một số nhà máy phải tạm dừng hoạt động trong nhiều ngày để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút corona. Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng sẽ vẫn mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021, nhờ vào:

Thứ nhất, các chính sách và giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch trong các khu công nghiệp và duy trì chuỗi cung ứng sản xuất không bị gián đoạn bởi đại dịch;

Thứ hai, nhu cầu bên ngoài cao hơn trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi;

Thứ ba, tăng chi tiêu công, đặc biệt là cho phát triển cơ sở hạ tầng. VNDIRECT kỳ vọng ngành công nghiệp và xây dựng sẽ tăng 8,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với mức tăng 8,4% trong 6 tháng đầu năm 2021).

VNDIRECT kỳ vọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản sẽ tăng trưởng 4% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với mức 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2021) bởi nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là thủy sản như cá tra và tôm; và ngành chăn nuôi tăng trưởng mạnh trong bối cảnh quy mô đàn lợn duy trì đà phục hồi.

Trong kịch bản tiêu cực, GDP năm 2021 của Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 5% so với cùng kỳ.

Kịch bản tiêu cực của VNDIRECT dựa trên các giả định chính, đó là: Đợt lây nhiễm thứ tư sẽ kéo dài hơn. Nhiều tỉnh, thành khác ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam phải áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ để ngăn chặn sự lây lan của vi-rút corona;

Thêm nhiều khu công nghiệp phải tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19;

Tỷ lệ tiêm chủng thấp do thiếu nguồn cung cấp vắc xin. Chỉ có dưới 30% dân số được chủng ngừa với ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 vào cuối năm 2021;

Việt Nam sẽ không thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong năm nay;

Việc mở cửa trở lại của các nền kinh tế lớn trên thế giới, chẳng hạn như Hoa Kỳ và Trung Quốc, có thể bị chậm lại do số ca lây nhiễm gia tăng mạnh trở lại do biến thể Delta.

Trong kịch bản tiêu cực, tác động của đại dịch đối với lĩnh vực dịch vụ sẽ kéo dài và trầm trọng hơn. Trong kịch bản này, VNDIRECT dự báo ngành dịch vụ chỉ tăng trưởng 2,4% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với 4,0% trong 6 tháng đầu năm 2021 và 3,2% trong kịch bản cơ sở).

Ngành công nghiệp và xây dựng có thể phục hồi với tốc độ chậm hơn do sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu bên ngoài lẫn trong nước sụt giảm. VNDIRECT dự báo ngành công nghiệp và xây dựng tăng trưởng 7,3% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm (so với 8,4% trong 6 tháng đầu năm 2021 và 8,3% trong kịch bản cơ sở).

Đối với ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, VNDIRECT dự báo tăng trưởng 3,7% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm 2021 (so với 3,8% trong 6 tháng đầu năm 2021 và 4,0% trong kịch bản cơ sở) do nhu cầu bên ngoài đối với các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn.

Chính sách tiền tệ linh hoạt hơn để thích nghi với hoàn cảnh mới

VNDIRECT cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng cho nửa cuối năm 2021, dựa vào áp lực lạm phát giảm như VNDIRECT đã thảo luận ở phần trên có thể mở ra nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ.

Ngày 19/7, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ, trong đó Việt Nam cam kết không phá giá tiền đồng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh thương mại không công bằng trong thương mại quốc tế, cũng như minh bạch hơn trong chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái. Sau đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) đã quyết định không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế thương mại nào đối với Việt Nam, chẳng hạn như áp đặt thuế trừng phạt đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Việc loại bỏ mối đe dọa thuế quan của Mỹ và áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn sẽ cho phép NHNN tập trung nhiều hơn vào các chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn do làn sóng COVID-19 thứ tư gây ra.

Thêm vào đó, khi đà tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi làn sóng Covid 19 hiện tại, cả chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ hướng nhiều hơn đến mục tiêu hỗ trợ phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm 2021 và thậm chí là cả trong nửa đầu năm 2022.

VNDIRECT kỳ vọng NHNN sẽ cởi mở hơn trong việc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. VNDIRECT duy trì dự báo tăng trưởng tín dụng cho năm 2021 là 13%. Ngoài ra, VNDIRECT kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành và khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Được biết, trong tháng 7, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Sau đó, một số ngân hàng đã thông báo hạ lãi suất cho vay.

Cụ thể, nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã thông báo cắt giảm 0,5 - 1% lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay hiện hữu của các doanh nghiệp và cá nhân bị ảnh hưởng bởi đại dịch, như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, vận tải, giáo dục, lưu trú và dịch vụ ăn uống. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại tư nhân như ACB, MBB, VIB, VPB cũng cam kết cắt giảm lãi suất cho vay từ 0,8 - 2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị đại dịch.

Về mặt bằng lãi suất huy động, VNDIRECT hạ dự báo mức tăng lãi suất huy động trong phần còn lại của năm xuống 10 - 15 điểm cơ bản, từ mức dự báo trước đó là 25 - 30 điểm cơ bản.

Đáng chú ý, quan điểm lạc quan của VNDIRECT đối với tiền Đồng (VND) đã trở nên trung lập hơn trong phần còn lại của năm 2021.

Đồng Việt Nam tiếp tục mạnh lên so với USD. Tính đến ngày 30/7, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng giảm 0,3% so với tháng trước, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do giảm 0,9%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do NHNN quy định đối với USD/VND không đổi trong tháng 7/2021.

Tuy nhiên, quan điểm lạc quan của VNDIRECT đối với VND đã trở nên trung lập hơn trong phần còn lại của năm 2021 là do đồng USD có thể lấy lại ưu thế trong nửa cuối năm 2021 bởi Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang xem xét các kịch bản thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng (QE) từ cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022; lạm phát có xu hướng tăng trở lại; và Việt Nam ghi nhận thâm hụt thương mại 2,7 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm.

Tin bài liên quan