Đây là mức giảm có thể chấp nhận được, nhất là trong bối cảnh đồng USD trên thế giới đang mạnh lên và xu hướng Fed sẽ còn tăng thêm thời gian tới. Dự báo đến cuối năm, giá USD có thể lên mức 23.200 đồng, thay vì mức 22.800 đồng như tính toán trước đó.
Ông có thể chia sẻ, cơ sở nào để đưa ra dự báo tiền đồng sẽ mất giá khoảng 2-3% trong năm nay?
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách ngoại hối linh hoạt, nên trong ngắn và trung hạn, tiền đồng sẽ vẫn ổn định. Mặt khác, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở mức kỷ lục trên 40 tỷ USD, do thời gian qua, NHNN liên tục tăng dự trữ ngoại hối khi mua vào hơn 10 tỷ USD trong năm 2016 và 1,4 tỷ USD chỉ trong tháng 1/2017.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam
Đó là cơ sở để đưa ra dự báo tiền đồng sẽ chỉ giảm khoảng 2-3% trong năm nay. Theo tôi, đối với các doanh nghiệp, mức giảm này là có thể chấp nhận được.
Theo đó, tỷ giá VND/USD được dự báo sẽ tăng lên mức 23.200 đồng/USD vào cuối năm nay, thay vì mức 22.800 đồng/USD như tính toán trước đó. Để hỗ trợ thị trường, NHNN đã công bố giá bán VND/USD dưới mức trần 50 điểm.
Sự biến động trên đã tính đến những cú sốc bên ngoài chưa, chẳng hạn như lộ trình tăng lãi suất của Fed…, thưa ông?
Để đưa ra dự báo trên, chúng tôi đã tính đến tác động từ lộ trình tăng lãi suất của Fed trong năm nay, khi cơ quan này cho biết, không chỉ có một đợt tăng lãi suất thêm 0,25% như vừa qua, mà còn có thể tăng thêm 2 lần nữa trong năm 2017.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ thêm 5% nữa, thì nhiều khả năng tỷ giá tiền đồng sẽ biến động nhiều hơn.
Với dự báo tỷ giá sẽ còn biến động, theo ông, thanh khoản ngoại tệ, cũng như việc cho vay USD của các ngân hàng liệu có gặp khó?
Tôi cho rằng, tín dụng ngoại tệ hiện nay chưa phải là bài toán khó đối với ngân hàng, cho dù việc huy động ngoại tệ không còn như trước, khi trần lãi suất huy động USD được đưa về mức 0%/năm. Bởi, khoản cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp hiện đã được NHNN hạn chế rất nhiều so với trước đây. Chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ mới được vay ngoại tệ. Tuy nhiên, khi ngoại tệ trở nên khó huy động, thì cần phải cân nhắc.
Những ngân hàng từng cho vay ngoại tệ đối với những dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh trung-dài hạn bằng ngoại tệ cần thận trọng, bởi sẽ có không ít rủi ro trong thời gian tới khi chu kỳ tăng lãi suất của Fed tiếp diễn.
Đồng thời, tâm lý của người gửi tiết kiệm bằng USD cũng sẽ bị tác động, khi trần lãi suất huy động trong nước vẫn giữ ở mức 0%/năm, trong khi lãi suất “đồng bạc xanh” tiếp tục tăng cao, nên khó có thể tránh được tình trạng dịch chuyển dòng vốn ra bên ngoài. Điều này sẽ gây nhiều áp lực lên thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng, nhất là với ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay USD.
Trong bối cảnh lãi suất cơ bản USD sẽ còn tăng tiếp, liệu cơ quan quản lý có nâng trần lãi suất huy động ngoại tệ trong nước, thưa ông?
Mục tiêu chính của cơ quan lý trong việc đưa lãi suất huy động USD về 0%/năm không phải là để hạn chế vngười dân gửi USD, mà là muốn tất cả các giao dịch được chuyển sang bằng đồng nội tệ (tiền đồng). Điều này cũng phù hợp với mục tiêu chống tình trạng “đô-la hóa” của NHNN.
Như vậy, nếu có ngoại tệ, thay vì gửi tiết kiệm bằng USD, tại sao khách hàng không chuyển sang tiền đồng để hưởng lãi suất tiền gửi cao hơn so với USD như hiện nay? Vì thế, tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, NHNN sẽ chưa thực hiện ngay việc tăng trần lãi suất huy động tiền gửi ngoại tệ, bởi nếu nới trần lãi suất huy động tiền gửi USD, tình trạng đua huy động ngoại tệ sẽ tái diễn.
Như vậy, người dân vẫn nên gửi tiết kiệm bằng tiền đồng?
Điều này là rõ ràng, khi mặt bằng lãi suất tiền gửi VND hiện cao hơn nhiều (khoảng 6-6,5%/năm) so với tiết kiệm bằng ngoại tệ (0%/năm). Ngay cả khi USD được cộng thêm mức tăng dự kiến từ 2-3%/năm so với VND trong năm nay, thì người gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ cũng chỉ được hưởng mức lãi suất khoảng 3%/năm, trong khi gửi tiền đồng lãi suất được gấp đôi.
Một khi kinh tế vĩ mô ổn định, tỷ giá và lãi suất tiết kiệm giữa USD-VND được điều tiết ở mức hợp lý, thì sẽ không e ngại việc dòng vốn tiền đồng dịch chuyển sang ngoại tệ.