TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế

VND có thể tăng giá nhẹ so với đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế dự báo, từ nay đến cuối năm, về cơ bản, tỷ giá USD/VND sẽ ổn định. Đây là một trong những nhân tố mà các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao.

Ông đánh giá thế nào về bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay?

Những dự đoán thời điểm đầu tháng 8 về kinh tế Mỹ có thể suy thoái khiến thị trường chứng khoán nước này cũng như nhiều quốc gia ghi nhận cú sập mạnh trong phiên giao dịch 5/8. Ngay sau đó, các báo cáo về kinh tế của Mỹ đã khả quan hơn. Các chuyên gia phân tích nhận định rằng kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái và có thể hạ cánh mềm. Điều này giúp thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam có nhịp phục hồi.

Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ không cao như tưởng tượng, chỉ số PMI có giảm từ 48 điểm xuống 46,5 điểm nhưng được kỳ vọng là phục hồi nhanh. Thu nhập của đại bộ phận dân cư Mỹ vẫn tăng nhưng lo ngại về những bất ổn địa chính trị trên thế giới, đặc biệt dự báo về giá nhiên liệu, năng lượng tăng và lạm phát vẫn còn ở mức cao nên người tiêu dùng tiết chế chi tiêu.

Kinh tế châu Âu, Nhật Bản phục hồi khá hơn, chỉ số PMI trong nhiều tháng vẫn ở mức trên 50 điểm. Đây là điều giúp các nhà phân tích dự báo thương mại toàn cầu, kinh tế toàn cầu vẫn trong xu thế phục hồi chậm chạp, đặc biệt là lạm phát toàn cầu giảm khá nhanh. Chính vì vậy, các nhà phân tích đều dự báo lãi suất của Mỹ cũng như toàn cầu sẽ giảm, xu hướng thắt chặt tiền tệ đang kết thúc và dần chuyển sang pha nới lỏng để đẩy nhanh đà phục hồi. Đây là một trong những yếu tố khiến USD giảm giá, chỉ số US-Index xuống 102 điểm và dự báo tiếp tục giảm về quanh mức 100 điểm.

Các yếu tố bên ngoài đang hỗ trợ cho việc tỷ giá USD/VND hạ nhiệt

Các yếu tố bên ngoài đang hỗ trợ cho việc tỷ giá USD/VND hạ nhiệt

Theo ông, các diễn biến của kinh tế quốc tế tác động như thế nào đến thị trường ngoại hối Việt Nam?

Dựa trên các phân tích ở trên, có hai yếu tố bên ngoài tác động rất mạnh đến thị trường ngoại hối Việt Nam: Một là, lạm phát toàn cầu giảm, vì vậy, giá hàng nhập khẩu có xu hướng giảm, ngoại trừ chi phí vận tải (vận chuyển hàng hoá qua vùng Vịnh khó khăn do xung đột Israel – Palestine); hai là, USD giảm giá. Hai yếu tố này đã làm giảm áp lực về tỷ giá hối đoái đối với VND và cũng làm giảm áp lực cho lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới, thông qua giá hàng hoá nguyên vật liệu nhập khẩu.

Một yếu tố nội tại của Việt Nam cũng tác động đến tỷ giá hối đoái đó là lãi suất. Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong vài tháng gần đây đã giảm. Lãi suất OMO từ 4,5%/năm đã giảm xuống 4,25%/năm và hiện đang ở mức 4%/năm. Tuy nhiên, lãi suất thị trường liên ngân hàng, đặc biệt là lãi suất qua đêm vẫn ở mức cao, trên dưới 4%/năm. Lãi suất trên thị trường 1, đặc biệt lãi suất tiền gửi đang có xu hướng tăng nhẹ. Điều này cho thấy về căn bản, chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn theo hướng linh hoạt và kiểm soát lạm phát (thắt chặt vừa phải).

Với chính sách tiền tệ như trên, cộng với các yếu tố bên ngoài đã phân tích, chúng ta có thể dự báo tỷ giá hối đoái của Việt Nam từ nay đến cuối năm về cơ bản ổn định. Thậm chí, VND có thể tăng giá nhẹ so với đầu năm. Đây là một trong những nhân tố mà các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá rất cao, kể cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp.

Vì vậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện. Đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài liên tục bán ròng ở mức chưa từng thấy, trên dưới 60.000 tỷ đồng. Điều này giúp chúng ta có thể dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam có đà phục hồi khá tích cực và tăng trưởng kinh tế cũng được dự báo có thể đạt được kế hoạch ban đầu của Chính phủ và Quốc hội là 6,5%.

Trên những nền tảng đã đạt được từ đầu năm tới nay, đặc biệt trong các tháng gần đây, chúng ta có thể dự báo tỷ giá hối đoái trong các tháng còn lại của năm nay và cả năm sau về cơ bản sẽ ổn định và VND mất giá so với USD chỉ quanh mức 3% trong năm sau.

Ngoài tỷ giá và lãi suất, theo ông, vấn đề nào cần chú ý trong nền kinh tế?

Vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp quan tâm hiện nay, ngoài lãi suất và tỷ giá hối đoái, là thanh khoản của nền kinh tế. Nhìn từ phía cầu thì đó là đầu tư của khu vực tư nhân và tiêu dùng nội địa vẫn trong tình trạng trì trệ, ảnh hướng rất lớn đến tăng trưởng kinh tế trung dài hạn. Nhìn từ phía cung tiền, tăng trưởng M2 vẫn khá thấp, đặc biệt là tiền gửi của khu vực tổ chức kinh tế giảm mạnh.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã được cải thiện nhưng rất ít bởi yếu tố kỹ thuật vẫn còn khá lớn. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn để đầu tư trung, dài hạn và nguyên nhân chủ yếu là không đảm bảo được các điều kiện tín dụng khá khắt khe như tài sản thế chấp, dòng tiền…

Để giải quyết những khó khăn này và để tăng thanh khoản của nền kinh tế, có ba khu vực rất quan trọng mà các tổ chức tín dụng cần phải chú ý tới:

Thứ nhất, xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu nông sản đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong danh mục xuất khẩu của các doanh nghiệp nội địa Việt Nam. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 dự báo có thể đạt 400 tỷ USD; trong đó, khu vực FDI chiếm tới 280 tỷ USD. Các doanh nghiệp nội địa chỉ còn chiếm khoảng 120 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; trong đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chiếm tới 60 tỷ USD. Khu vực này đang có triển vọng phát triển tốt nhất là thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ. Vấn đề quan trọng là xúc tiến thương mại đối với nông, lâm, thuỷ sản còn rất yếu, kém xa xúc tiến thương mại của Thái Lan. Về mặt chính sách cần phải có những quan tâm cả về tín dụng ngân hàng và xu thế thương mại.

Thứ hai, lĩnh vực bất động sản là khu vực chiếm lượng vốn lớn của nền kinh tế, đặc biệt là vốn trung, dài hạn. Theo ước tính của chúng tôi, tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp dành cho bất động sản có thể chiếm tới 30% hoặc cao hơn trong tổng tín dụng.

Ngành bất động sản có thể tạo ra GDP lớn hơn nhiều so với con số thống kê gần đây là khoảng 20% GDP, chưa kể mức độ lan toả vào các ngành khác, như xây dựng, vật liệu xây dựng, đồ điện gia dụng, đồ nội thất, ngoại thất… Đây là khu vực đang bị ách tắc, chủ yếu do thủ tục hành chính và nền tảng pháp lý. Sắp tới, khi các văn bản hướng dẫn 3 sắc luật có liên quan đến thị trường bất động sản được ban hành, đây có thể là một cơ hội phục hồi khá nhanh và thu hút vốn khá tin cậy, vì có tài sản đảm bảo và có nhu cầu đầu ra rất lớn, đặc biệt là nhà ở phân khúc trung bình và giá rẻ, nhà ở xã hội…

Vấn đề lớn nhất hiện nay là phải giải quyết nhanh chóng các thủ tục pháp lý cho hàng ngàn dự án đang bị ách tắc pháp lý ở Hà Nội và TP.HCM. Khi thủ tục pháp lý được xử lý, tín dụng ngân hàng cũng được thông suốt, tạo ra thanh khoản lớn không chỉ cho thị trường bất động sản mà còn nhiều phân khúc hàng hoá khác.

Ba là, cho vay tiêu dùng. Tỷ lệ này của Việt Nam đang rất thấp so với nhiều nước do khả năng xếp hạng, đánh giá rủi ro khách hàng trong lĩnh vực này còn hạn chế. Nhưng hiện nay, lĩnh vực này đang có những lợi thế cơ bản để phát triển, mở rộng. Đó là hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đang được xây dựng và dần hoàn thiện. Đây là một tài sản quý giá để các ngân hàng thương mại sử dụng trí tuệ nhân tạo phân tích cấu trúc, dữ liệu ngân hàng, mở rộng marketing, xếp hạng khách hàng, đánh giá rủi ro của khách hàng…, trên cơ sở đó đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Cho vay tiêu dùng là lĩnh vực nhiều tiềm năng để phát triển, ở châu Âu chiếm tới 71%, ở Mỹ chiếm tới 47%, Việt Nam là quốc gia đang có tốc độ tăng trưởng thu nhập khá cao. Mở rộng cho vay tiêu dùng sẽ thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển và là nền tảng của tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Tập trung xử lý được ba vấn đề trên, tăng trưởng tín dụng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái mới đảm bảo bền vững và hiệu quả.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, tỷ giá hối đoái sẽ trở thành giá cả vĩ mô quan trọng nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả đầu tư và thương mại quốc tế. Tỷ giá hối đoái sẽ góp phần làm tăng vị thế của đồng tiền Việt Nam trên trường quốc tế trong các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn… phù hợp với xu thế đa cực trong đầu tư, thương mại quốc tế hiện nay và tương lai.

Tin bài liên quan