Đầu ra khó khăn khiến nhiều DN ngành xi măng lỗ nặng

Đầu ra khó khăn khiến nhiều DN ngành xi măng lỗ nặng

VNCA kiến nghị 4 giải pháp hỗ trợ DN xi măng

(ĐTCK) Chi phí tài chính chiếm tới 25-30% giá thành sản phẩm, trong khi các chi phí nhiên liệu đầu vào tăng mạnh khiến hầu hết DN ngành xi măng thua lỗ.

Thực trạng khó khăn

5 tháng đầu năm 2012, sản xuất xi măng đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 16,80% so với cùng kỳ năm 2011 ( là 22,2 triệu tấn), tiêu thụ xi măng đạt khoảng 19 triệu tấn, giảm 7,8% (là 20,5 triệu tấn) so với cùng kỳ.

Sản xuất và tiêu thụ giảm, nhưng ngược lại, năng lực sản xuất của toàn ngành (tính theo công suất thiết kế, sản lượng) lại tăng khoảng 10% so với năm 2011, do cao trào đầu tư xi măng đã khởi động từ những năm gần đây chưa hãm lại được. Năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt từ 60 đến 62 triệu tấn. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2012 dự kiến khoảng  47 - 48 triệu tấn, phấn đấu xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn, dẫn đến dư cung khoảng 6 triệu tấn.

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), khó khăn lớn nhất của toàn ngành là hợp tác duy trì sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, bao gồm tiêu thụ sản phẩm trong nước và hợp tác xuất khẩu clinker - xi măng. Trong đó, giá than từ năm 2011 đến nay tăng 170%, giá điện tăng 19%, giá dầu tăng 40%. Thêm vào đó là việc tăng giá các nguyên liệu như than, điện, dầu... Việc tăng lãi suất ngân hàng cũng khiến tổng chi phí tài chính chiếm tới 25-30% giá thành sản phẩm.

VNCA nhận xét, phần lớn doanh nghiệp xi măng từ đầu năm 2012 đến nay đều thua lỗ, sản phẩm tồn đọng lớn, một số nhà máy đã ngừng một phần dây chuyền sản xuất, nguy cơ phá sản của một số doanh nghiệp xi măng là hiện hữu. Triển vọng tình hình sản xuất kinh doanh xi măng từ nay đến cuối năm chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn tài chính DN xi măng

Đánh giá các khó khăn của DN xi măng, VNCA cho rằng, tình trạng khó khăn hiện nay đến từ 2 nguyên nhân là thừa cung xi măng từ khâu quy hoạch và chi phí bị đẩy cao.

Theo Hiệp hội, từ năm 2011 đến nay, ngành xi măng đã đẩy mạnh xuất khẩu clinker, xi măng, coi như một giải pháp tình thế để giải quyết một phần tình trạng dư thừa xi măng. Tuy nhiên giải pháp xuất khẩu cũng không phải là một giải pháp có hiệu quả kinh tế đối với xi măng Việt Nam. Dự báo, tình hình dư thừa xi măng còn tiếp tục xẩy ra trong những năm tới, nếu không có những giải pháp quyết liệt, như kích cầu tiêu thụ xi măng, rà soát điều chỉnh lại quy hoạch đầu tư phát triển xi măng theo hướng giảm, hoãn hoặc ngừng hẳn một số dự án xi măng.

Song song với việc đề nghị rà soát lại quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng theo Quyst định 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 cho phù hợp với nhu cầu xi măng trong những năm sắp tới (từ nay đến 2015) để tránh tình trạng dư thừa xi măng, VNCA đã đề xuất 4 giải pháp lên Chính phủ và Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho DN xi măng bao gồm: Giãn nợ các khoản vay nước ngoài, cơ cấu lại danh mục nợ; Khoanh nợ, lùi thời hạn trả nợ các khoản vay trong nước đã đến hạn; Hạ lãi suất cho vay về mức hợp lý 10-12%/năm; Giảm thuế VAT xuống còn 5% như thời điểm 2008-2009.