Ảnh Internet

Ảnh Internet

VNBA kiến nghị ngân hàng không phải báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các tổ chức tín dụng (TCTD) không thể theo dõi riêng dòng tiền huy động từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng.

Số liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cập nhật từ đầu năm đến cuối tháng 3/2023, ngành ngân hàng chỉ phát hành khoảng 0,1% trong tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp mới, trong khi ngành bất động sản và hàng tiêu dùng đang chiếm tỷ lệ lần lượt 68,1% và 29,2%. Trong khi đó, các năm trước, ngân hàng là một trong những nhóm ngành tích cực phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhất.

Được biết, các ngân hàng không phát hành thêm trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu xuất phát từ vướng mắc tại quy định "báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ". Quy định này được nêu rõ tại Điểm đ Khoản 9, Điểm k Khoản 10 và Điểm c Khoản 16 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP.

Xung quanh vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa có văn bản số gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Cụ thể, VNBA cho biết, liên quan đến việc góp ý Nghị định 65/2022/NĐ-CP, ngày 6/2/2023, Hiệp hội Ngân hàng đã có tổng hợp ý kiến các tổ chức tín dụng (TCTD) gửi đến cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài chính) và các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét tháo gỡ một số nội dung, như quy định Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ; quy định các TCTD phải công bố thông tin định kỳ 6 tháng, hàng năm; hay việc quy định điều kiện các TCTD phát hành trái phiếu riêng lẻ như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác…

Lý giải về những bất cập trong thực hiện theo những quy định này, Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, đặc thù của hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, dòng tiền lưu thông luân chuyển liên tục. Nguồn vốn sau khi được huy động sẽ hòa lẫn vào tổng nguồn vốn chung để sử dụng cho các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng, nên không thể phân định tách bạch. Bên cạnh đó, có hệ thống theo dõi riêng nguồn tiền huy động từ phát hành trái phiếu hay từ các hoạt động khác được sử dụng cho các khoản vay đầu tư cụ thể nào và ngược lại các khoản đã cho vay, đầu tư được lấy từ nguồn vốn cụ thể nào của TCTD.

“Cũng chính vì các TCTD không thể theo dõi riêng dòng tiền huy động từ phát hành trái phiếu và dòng tiền cho vay ra tương ứng mà các tổ chức kiểm toán lớn có uy tín không nhận kiểm toán mục đích sử dụng vốn trái phiếu, dẫn tới việc các TCTD khó mà có thể thực hiện được nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định”, Văn bản của Hiệp hội cho biết

VNBA nhấn mạnh, những kiến nghị của Hiệp hội không được điều chỉnh tại Nghị định 08/2023/NĐ-CP ban hành ngày 5/3/2023 sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, dẫn đến các TCTD không thể phát hành trái phiếu riêng lẻ bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn trong năm 2023.

Theo VNBA, các TCTD phát hành trái phiếu là để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay và đầu tư của nền kinh tế…. Đây là nguồn vốn cần thiết và quan trọng, hỗ trợ các TCTD có đủ vốn để đầu tư cho các doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng và thực tế bình quân hàng năm các TCTD phát hành trái phiếu chiếm tỷ lệ từ 30-35% tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Cá biệt năm 2022, Hiệp hội cho biết, tỷ lệ này lên đến 59% tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành. Chính vì vậy, năm 2022, tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng mà các TCTD vẫn đủ nguồn vốn để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Việc quy định điều kiện các TCTD phát hành trái phiếu riêng lẻ như các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh khác là chưa phù hợp với đặc thù của các TCTD”, văn bản của Hiệp hội nhấn mạnh.

Từ những vướng mắc nêu trên dẫn tới các TCTD không thể thực hiện được việc phát hành mới trái phiếu riêng lẻ trong năm 2023 do không đáp ứng yêu cầu về nội dung tài liệu trong hồ sơ phát hành. Đặc biệt, các TCTD sẽ vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 65. Điều này sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến hoạt động cũng như uy tín của các TCTD, niềm tin của nhà đầu tư, có thể tiếp tục dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính tiền tệ.

Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các TCTD, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Chính phủ xem xét:

Thứ nhất, sửa đổi quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP theo hướng TCTD không phải thực hiện việc báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ để công bố thông tin định kỳ, cũng như làm căn cứ phát hành các đợt trái phiếu mới. Nội dung này có thể xem xét bổ sung vào Luật Các TCTD (sửa đổi) sắp tới hoặc rà soát lại các tỷ lệ an toàn của các TCTD nếu chưa phù hợp thì sửa đổi bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn, hiệu quả trong đó có việc phát hành và sử dụng trái phiếu riêng lẻ.

Thứ hai, trong thời gian chưa thực hiện kiểm toán được, đề nghị Chính phủ cho phép các TCTD được tạm hoãn thực hiện quy định tại điểm C khoản 16 Điều 1, Nghị định 65 đến hết ngày 30/6/2023 về việc công bố thông tin định kỳ Báo cáo về tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán để các TCTD có thời gian lựa chọn đơn vị kiểm toán.

Tin bài liên quan