Thị trường phái sinh tăng trưởng nhưng sản phẩm chưa đa dạng
Sau gần 8 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã có những bước phát triển về sản phẩm, thanh khoản, cũng như số lượng, cơ cấu nhà đầu tư tham gia.
Ban đầu, thị trường có 1 sản phẩm là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 (năm 2017), sau đó bổ sung hợp đồng tương lai chỉ số trái phiếu chính phủ 5 năm (năm 2019) và 10 năm (năm 2021). Sự đa dạng sản phẩm cho phép các nhà đầu tư có thêm công cụ để thực hiện giao dịch, giảm khả năng bị thao túng.
Thanh khoản trên thị trường phái sinh có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, hợp đồng tương lai chỉ số VN30 ghi nhận giá trị giao dịch tăng trưởng bình quân 20,6% trong giai đoạn 2017 - 2024. Thống kê từ Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong năm 2024, khối lượng giao dịch bình quân hợp đồng tương lai chỉ số VN30 là 211.037 hợp đồng, giảm 10,32%, nhưng giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 27.063 tỷ đồng, tăng 3,96% so với năm 2023. Khối lượng hợp đồng mở (OI) từ 8.077 hợp đồng tại thời điểm cuối năm 2017 đã tăng lên 45.332 hợp đồng vào cuối năm 2024 (gấp 5,6 lần).
Số lượng các tài khoản giao dịch mở mới trên thị trường chứng khoán phái sinh tăng đều từ năm 2017 đến năm 2020, bắt đầu tăng mạnh từ đầu năm 2021 và đạt mức cao nhất vào cuối năm này. Sau đó, mức độ tăng trưởng số lượng giảm đến giữa quý II/2022, duy trì mức tăng trưởng tương đối thấp, ổn định trong biên độ không rõ xu hướng. Tính đến cuối năm 2024, số lượng tài khoản giao dịch đạt hơn 1,8 triệu, cuối tháng 2/2025 tăng lên 1,9 triệu, tương đương 1,9% dân số.
Cơ cấu nhà đầu tư được cải thiện theo hướng phù hợp. Trong giai đoạn đầu của thị trường, gần 99% giao dịch được thực hiện bởi các nhà đầu tư cá nhân. Tỷ trọng này đã giảm xuống khoảng 67% vào cuối năm 2023 và khoảng 62% vào cuối năm 2024, tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư tổ chức tăng lên hơn 37%. Sự tăng trưởng mạnh của thị trường phái sinh cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Sự tham gia giao dịch của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài còn khiêm tốn, nhưng có sự gia tăng hàng năm. Tại thời điểm cuối tháng 12/2024, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 2,9% tổng khối lượng toàn toàn thị trường so với mức 0,1% vào cuối năm 2017. Giá trị này cuối tháng 2/2025 giảm nhẹ còn 2,6%.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán phái sinh có những bước phát triển ấn tượng, nhưng số lượng sản phẩm còn chưa đa dạng, thanh khoản sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ chưa cao. Giao dịch trên thị trường chủ yếu là sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30, còn hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 5 năm, 10 năm gần như không có giao dịch. Thực trạng này cho thấy sự cần thiết phải phát triển thêm các sản phẩm phái sinh khác dựa trên chỉ số, nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Kinh nghiệm các nước trên thế giới cho thấy, ở nhiều thị trường, bên cạnh các sản phẩm hợp đồng tương lai trên các rổ chỉ số có số lượng cổ phiếu thành phần nhỏ như Topix Core30, FTSE TWSE Taiwan 50, S&P/ASX20, CAC… đã phát triển các sản phẩm hợp đồng tương lai có số lượng cổ phiếu lớn như hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500, hợp đồng tương lai chỉ số Nikkei 225, hợp đồng tương lai chỉ số KOSPI 200. Điều này giúp đa dạng sản phẩm đầu tư cho thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng. Việc đa dạng sản phẩm đầu tư cũng khiến thị trường có thêm nhiều sự lựa chọn, càng tạo ra yêu cầu cần phải chuyên nghiệp trong hoạt động đầu tư, khiến văn hoá đầu tư dần dịch chuyển từ tự đầu tư sang đầu tư qua quỹ đầu tư.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện tại, mẫu hợp đồng tương lai chỉ số VN100 được thiết kế tương tự như hợp đồng tương lai chỉ số VN30, đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt tại Công văn số 3520/UBCK-PTTT ngày 4/6/2024.
VN100 và khả năng thu hút nhà đầu tư
Với những kết quả đã đạt được, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng tiếp tục phát triển trong năm 2025, trong đó có các mục tiêu cụ thể như đưa hệ thống công nghệ thông tin mới (hệ thống KRX) vào vận hành, hoàn thành việc nâng hạng thị trường chứng khoán, ra mắt các sản phẩm mới như hợp đồng tương lai chỉ số VN100, hợp đồng quyền chọn, cải tiến chỉ số VN30...
Với hợp đồng tương lai chỉ số VN100, mặc dù mẫu hợp đồng được thiết kế cơ bản giống mẫu hợp đồng tương lai chỉ số VN30, nhưng sự khác biệt về tài sản cơ sở đem đến 2 điểm khác biệt cơ bản.
Thứ nhất, chỉ số VN100 vượt trội hơn chỉ số VN30 về tính đại diện. So với chỉ số VN30 về giá trị vốn hoá, VN100 đại diện cho khoảng 89,11% giá trị vốn hoá toàn thị trường cổ phiếu niêm yết (trong khi chỉ số VN30 đại diện cho 69,37%).
Thứ hai, giá trị vốn hoá của 10 doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hoá lớn nhất thuộc chỉ số VN30 và VN100 lần lượt đạt 60,12% và 46,8%, cho thấy chỉ số VN100 ít chịu ảnh hưởng hơn bởi biến động của Top 10 các cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất thị trường, điều này sẽ góp phần hạn chế những biến động bất thường của hợp đồng tương lai chỉ số và chỉ số cơ sở.
Việc phát triển và hướng tới đa dạng hóa các sản phẩm phái sinh dựa trên nhiều tài sản cơ sở khác nhau là một trong những mục tiêu cần chú trọng của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam trong việc phát triển thị trường khoán theo đúng định hướng của Chính phủ đề ra. Việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm phái sinh nhằm đa dạng hóa sản phẩm giúp nhà đầu tư có thêm công cụ phòng vệ rủi ro, sản phẩm để đầu tư phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư, từ đó thu hút các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài.
Vai trò quan trọng của sự ra đời hợp đồng tương lai chỉ số VN100 được thể hiện trên một số khía cạnh cụ thể.
Thứ nhất, đối với thị trường chứng khoán phái sinh, việc triển khai sản phẩm này sẽ mở rộng phạm vi đầu tư, giúp tăng tính đại diện và đa dạng hóa sản phẩm phái sinh. Việc triển khai hợp đồng tương lai chỉ số VN100 giúp tăng chiều sâu và độ rộng của thị trường phái sinh, mở rộng đối tượng nhà đầu tư sử dụng sản phẩm phòng ngừa rủi ro.
Bên cạnh đó, sự ra đời của sản phẩm này tạo động lực để phát triển sản phẩm phái sinh mới trong tương lai. Nếu VN100 được thị trường đón nhận tích cực, đây sẽ là tiền đề để xây dựng thêm các sản phẩm phái sinh khác như quyền chọn, hợp đồng dựa trên chỉ số ngành, ETF, cổ phiếu riêng lẻ…
Thứ hai, đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán nói chung, chỉ số VN100 là nhóm có ảnh hưởng lớn đến thanh khoản và vận động của thị trường cơ sở. Khi sản phẩm phái sinh gắn với VN100 được giao dịch sôi động sẽ góp phần thúc đẩy thanh khoản thị trường cơ sở nhờ dòng vốn dịch chuyển và giao dịch phòng ngừa rủi ro, tăng tính minh bạch, ổn định và hiệu quả vận hành toàn thị trường.
Đồng thời, việc này khuyến khích đầu tư dài hạn, đầu tư theo chỉ số khi có thêm công cụ phòng ngừa rủi ro giúp các quỹ đầu tư theo chỉ số, đặc biệt là quỹ ETF cả nội và ngoại yên tâm hơn khi đầu tư vào các cổ phiếu thành phần VN100. Điều này thúc đẩy sự hình thành và phát triển của dòng vốn dài hạn, chuyên nghiệp hóa nhà đầu tư, hướng tới một thị trường lành mạnh hơn.
Thứ ba, đối với khả năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư ngoại có xu hướng đầu tư vào chỉ số có độ phủ rộng và có sản phẩm phái sinh phòng ngừa rủi ro. Do chỉ số VN30 chỉ thể hiện sự biến động của 30 cổ phiếu vốn hoá trên thị trường (mức độ hẹp) nên nhiều quỹ nước ngoài không thể xây dựng chiến lược đầu tư toàn diện. Sự xuất hiện của hợp đồng tương lai chỉ số VN100 có tính đại diện tốt hơn, giúp các quỹ nước ngoài tiếp cận rộng hơn với thị trường Việt Nam, tăng mức độ sẵn sàng đầu tư nhờ có công cụ phòng ngừa rủi ro đi kèm.
Thực tế, chỉ số VN100 gần hơn với chuẩn đầu tư của các quỹ lớn khi một số quỹ như MSCI Emerging Markets, FTSE Global All Cap Index… thường chọn rổ chỉ số rộng như Top 100, Top 150 để đầu tư. Do vậy, khi thị trường Việt Nam có chỉ số tương tự đi kèm sản phẩm phái sinh hiệu quả sẽ tạo niềm tin và sự thuận tiện hơn cho dòng vốn quốc tế tham gia.
Thứ tư, đối với mục tiêu nâng hạng thị trường, sản phẩm phái sinh VN100 là tín hiệu tích cực trong mắt các tổ chức xếp hạng thị trường như MSCI, FTSE, khi các tổ chức này thường yêu cầu thị trường có các sản phẩm phái sinh gắn với chỉ số chính, thanh khoản tốt, có thể phòng ngừa rủi ro. Trường hợp được triển khai thành công, đó là bằng chứng cho thấy Việt Nam đang cải thiện môi trường đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch và đầy đủ công cụ. Kết hợp cùng các cải cách khác (giao dịch T+0, nới “room” ngoại …), VN100 là mảnh ghép quan trọng trong lộ trình nâng hạng. Dù chỉ là một yếu tố trong nhiều tiêu chí, nhưng đây là yếu tố định tính có thể tạo ấn tượng mạnh với tổ chức xếp hạng và nhà đầu tư toàn cầu.
Cần chú trọng điều kiện để vận hành
Định hướng phát triển thị trường chứng khoán phái sinh trong thời gian tới tiếp tục được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Việt Nam tiếp tục đề ra mục tiêu phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động thị trường chứng khoán nói chung và thị trường chứng khoán phái sinh nói riêng, trong đó phấn đấu thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20 - 30% mỗi năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Để đưa hợp đồng tương lai chỉ số VN100 vào thị trường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý với các đơn vị có liên quan như Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, các thành viên thị trường. Bên cạnh đó, tăng cường các công tác hợp tác quốc tế, thúc đẩy hội nhập và thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài; định kỳ kiểm tra hoạt động các công ty chứng khoán thành viên, nâng cao tính tuân thủ của các tổ chức trung gian tham gia thị trường.
Đồng thời, cần có hướng dẫn chi tiết về giao dịch, thanh toán, ký quỹ phù hợp với đặc thù chỉ số VN100, tăng cường công tác truyền thông và đào tạo nhà đầu tư, đặc biệt là phân biệt rõ chiến lược giao dịch với VN30 và VN100, đồng bộ hạ tầng thị trường, tăng tính kết nối giữa phái sinh và cơ sở.
Ngoài ra, cần có cơ chế đối ứng thông suốt, rút ngắn thời gian xử lý, tăng tính hiệu quả hệ thống, khuyến khích nhà tạo lập thị trường tham gia để đảm bảo thanh khoản ban đầu khi sản phẩm mới triển khai.
Trong trường hợp hệ thống KRX được đưa vào vận hành (dự kiến tháng 5/2025), các tính năng mới sẽ cho phép phát triển rất nhiều sản phẩm, quan trọng là có cơ hội để triển khai cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) sau này.