Thị trường không rẻ nhưng còn dư địa để tăng trưởng
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)
Tôi cho rằng, cần thay đổi về tư duy định giá, nếu chỉ nhìn P/E thì rất khó để đưa ra khuyến nghị đầu tư hay định giá cổ phiếu. Trên thế giới, khi P/E ở mức cao thì nhà đầu tư dựa vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp tương đồng với P/E để đánh giá, với mức tăng trưởng đó, giá cổ phiếu đã cao hay đang rẻ.
P/E thị trường Việt Nam hiện khoảng 18 - 20 lần, nhìn lại mức định giá trong lịch sử thì nhiều người e ngại đầu tư. Tuy nhiên, nhìn vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp thì thị trường dù không rẻ nhưng còn dư địa để tăng trưởng. Mặt khác, định giá thị trường hiện nay còn được nâng lên do các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá.
Đặc biệt, theo dự phóng, trên mặt bằng chung, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) năm 2019 khoảng 19 - 20%. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn lên niêm yết, cơ quan quản lý nỗ lực nâng hạng thị trường, minh bạch hóa hoạt động của các doanh nghiệp và nới tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài.
Rủi ro của thị trường là tăng nhanh thì có khả năng điều chỉnh mạnh, nhất là trong bối cảnh giá trị giao dịch ký quỹ (margin) không thấp. Ở một số công ty chứng khoán, việc vay margin rất khó, vì công ty gần hết ngân sách cho hoạt động này. Chưa kể, sắp tới, nhiều công ty chứng khoán sẽ phải tìm cách gia tăng nguồn lực để phục vụ cho sản phẩm mới là chứng quyền.
Trước Tết, xu hướng thị trường nhiều khả năng sẽ là giằng co
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Chuyên gia chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS)
Xu hướng tăng của TTCK Việt Nam trong 3 tháng nay rất mạnh, cả về điểm số và thanh khoản, thu hút một lượng vốn lớn đổ vào thị trường, trong đó có dòng vốn nóng, đẩy giá nhiều cổ phiếu lên cao.
Từ tuần trước, thị trường đã xuất hiện dấu hiệu chốt lời. Cụ thể, VN-Index chạm vào vùng đỉnh 1.120 điểm nhưng khó vượt qua, một số phiên giao dịch có thanh khoản cao nhưng chỉ số lại không tăng, khối nhà đầu tư nước ngoài giảm mua...
Trong khi đó, thị trường lên nhờ tác động quan trọng của dòng vốn ngoại nên khi khối này giảm giao dịch thì thị trường bớt đi lực hỗ trợ. Vì vậy, cộng hưởng các yếu tố trên và lực bán chực chờ, thị trường đã giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tuần này. Ngoài ra, yếu tố margin cũng được tích tụ khá cao nên khi thị trường giảm mạnh, không ít cổ phiếu giảm giá sàn hàng loạt.
VN-Index đã phục hồi trong phiên 7/2, nhưng tôi cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường cần thời gian để lấy lại cân bằng trước khi tiếp tục xu thế tăng điểm. Trước Tết, xu hướng thị trường nhiều khả năng sẽ là giằng co. Dự báo, sau Tết Nguyên đán, dòng tiền sẽ trở lại, khi rủi ro đã giảm bớt, thị trường có tín hiệu tạo vùng cân bằng mới, nhà đầu tư cũng ổn định về mặt tâm lý.
VN-Index có thể đạt 1.060 điểm trước Tết
Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt
Thị trường giảm điểm mạnh trong 2 phiên đầu tuần, ngoài yếu tố sắp nghỉ Tết, áp lực margin, thì thị trường chủ yếu bị ảnh hưởng bởi diễn biến giảm của TTCK thế giới. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ sau 2 phiên giảm mạnh đã tăng điểm trở lại, kéo theo phiên phục hồi của thị trường trong nước.
Trong thời gian tới, TTCK Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi diễn biến trên thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhà đầu tư nên quan tâm đến chính sách mới về margin sắp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành.
Trong ngắn hạn, thị trường đang trên đà phục hồi, kỳ vọng VN-Index có thể chạm ngưỡng 1.060 điểm trong những phiên còn lại trước kỳ nghỉ Tết.
Về xu hướng trung hạn, chúng tôi duy trì quan điểm tích cực trong năm 2018, với mục tiêu VN-Index chinh phục mốc 1.250 điểm. Tuy nhiên, sau Tết, khả năng thị trường sẽ có những nhịp điều chỉnh củng cố.