Tháng 8 và nửa đầu tháng 9: trung tính
TTCK Việt Nam trải qua tháng 8 và hơn nửa tháng 9 (đến ngày 18/9) trong trạng thái trung tính. Chuỗi tăng ấn tượng kéo dài từ giai đoạn sau Tết Nguyên đán đến đỉnh điểm vào tháng 7, VN-Index tạo mức cao nhất tính đến hiện tại của năm 2016 tại 675,12 điểm vào ngày 12/7. Từ sau thời điểm đó, VN-Index bắt đầu chuyển trạng thái sang một pha điều chỉnh và tích lũy kéo dài cho đến hiện tại. Kết quả giảm nhẹ 0,15% của VN-Index tính từ đầu tháng 8 đến nay (và giảm 1,61% đối với HNX-Index) phần nào phản ánh cho trạng thái trung tính của thị trường.
Dù chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 15 - 20% nhưng không thể phủ nhận các giao dịch của khối ngoại luôn được thị trường quan tâm và có thể tạo ra những ảnh hưởng lớn đến triển vọng của thị trường. Khá trùng hợp, giai đoạn từ đầu tháng 8 đến hiện tại cũng là thời điểm bán ròng “mạnh tay” nhất của khối ngoại kể từ đầu năm 2016 đến nay. Giá trị bán ròng tính riêng tại HOSE từ đầu tháng 8 đến nay là hơn 5.000 tỷ đồng. Trường hợp VN-Index nhanh chóng quay lại xu hướng tăng mạnh như các tháng trước đó, yếu tố khối ngoại quay lại mua ròng (ít nhất là hoạt động cân bằng) sẽ là điều kiện quan trọng cần xảy ra.
Kỳ vọng gì cho TTCK tháng 10?
Báo cáo chiến lược Triển vọng thị trường ngắn hạn của Maybank Kim Eng được đưa ra rất gần với thời điểm công bố quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 9 (tối ngày 21/9, giờ Việt Nam). Những đánh giá gần nhất cho thấy, khả năng Fed quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp này vẫn ở mức thấp. Phần lớn hơn các dự báo cho rằng, điều này có thể xảy ra trong kỳ họp cuối cùng của năm 2016 vào tháng 12, sau khi bầu cử Tổng thống tại Hoa Kỳ chính thức có kết quả.
Trường hợp nếu không có bất ngờ xảy ra (Fed giữ nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 9), chúng tôi nhìn nhận đây là thông tin “tốt lành” trong ngắn hạn dành cho TTCK Việt Nam, ít nhất về mặt tâm lý. Dù vậy, ở một kịch bản ngược lại, điều này có thể tạo ra “cú sốc” không nhỏ.
Bên cạnh “biến số” về khối ngoại và động thái của Fed, giai đoạn cuối năm của thị trường cũng bị chi phối bởi một số yếu tố khác như: các nhìn nhận về mặt kỹ thuật của chỉ số; khả năng gia tăng các chính sách kích cầu kinh tế; tương quan định giá của Việt Nam với một số quốc gia…
Tương quan định giá TTCK Việt Nam: vẫn hấp dẫn
Xét về tương quan định giá của TTCK Việt Nam so với các quốc gia lân cận trong khu vực, vị trí của Việt Nam vẫn tạo ra điểm nhấn hấp dẫn nhất định.
Trong nhóm “ASEAN - 5” (không tính Singapore), TTCK tại nhóm này đang duy trì mức P/E dự phóng trung bình cho 2016 quanh ngưỡng 22 lần, trong khi thông số này dành cho TTCK Việt Nam khoảng gần 16 lần. Tại lần thống kê gần đây của chúng tôi trong báo cáo vào tháng 7, con số này là 14 lần và khoảng cách định giá vào lúc đó tạo ra sự hấp dẫn lớn hơn cho TTCK Việt Nam so với phần còn lại. Dù mức hấp dẫn giảm, nhưng định giá dựa trên P/E dự phóng trung bình cho năm 2016 của Việt Nam vẫn tạo ra lợi thế.
Kỳ vọng, P/E của TTCK Việt Nam sẽ tăng lên, xoay quanh mức 18 lần, đồng nghĩa với VN-Index trong trung hạn có thể đạt 730 điểm.
Với mức định giá P/E vào loại “trung bình thấp” đi kèm với tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao trung khu vực, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Cơ hội đầu tư
Có không ít cơ hội đầu tư trong các ngành, lĩnh vực như: dược, xây dựng, bất động sản, tiêu dùng, ô tô. Trong đó, với ngành dược, mặc dù các cổ phiếu dược đã tăng giá mạnh so với đầu năm (DHG +65%, TRA +79%, DMC +191%, IMP +65%…), nhưng P/E bình quân của ngành dược Việt Nam hiện nay chỉ đang ở mức 15 lần so với mức 30 lần của khu vực.