Dù VN-Index một lần nữa “chiến thắng” mốc 1.100 điểm, nhưng đà tăng khá mong manh đã nhanh chóng được minh chứng khi thị trường bước vào phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11. Chỉ số chung mở cửa giảm điểm, sau đó có nỗ lực bật hồi nhưng cũng không thể thành công trước áp lực bán gia tăng trên diện rộng.
Sau khoảng thời gian rung lắc cuối phiên sáng và kéo sang nửa đầu phiên chiều liên tục đổi sắc, VN-Index đã chính thức đảo chiều giảm điểm và ngày càng nới rộng biên độ hơn khi áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip dần lan rộng ra toàn thị trường.
Từ trạng thái phân hóa, thị trường đã chìm trong sắc đỏ với số mã giảm điểm chiếm áp đảo và chỉ số VN-Index để mất toàn bộ thành quả có được trong phiên hôm qua, kết thúc phiên cuối cùng của tháng 11 tại mức giá thấp nhất trong ngày 1.094 điểm. Tuy nhiên, tính chung trong cả tháng 11, chỉ số này đã hồi phục tăng 65,94 điểm, tương ứng tăng hơn 6,41%, sau khi trải qua tháng 10 tồi tệ với mức giảm lên tới gần 11%.
Chốt phiên hôm nay 30/11, VN-Index giảm 8,67 điểm (-0,79%) xuống 1.094,13 điểm với 138 mã tăng và 362 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 723,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 14.670 tỷ đồng, tăng 17,64% về khối lượng và 16,23% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 62,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.502 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, nhóm VN30 là gánh nặng chính khi để mất gần 11,5 điểm và đóng cửa sát ngưỡng 1.080 điểm với 25 mã giảm, chỉ còn 4 mã tăng và 2 mã đứng giá tham chiếu. Trong đó, TPB, GVR, FPT, VHM tăng nhẹ chưa tới 1%, cùng BCM và CTG đứng giá tham chiếu, ngược lại MSN tạo sức ép lớn nhất khi lấy đi hơn 0,83 điểm của chỉ số chung, đóng cửa giảm 3,8% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 60.500 đồng/CP.
Ngoài ra, các mã bluechip khác như VRE, VJC, GAS, VIC, HPG, BID, VCB, VNM đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất trong ngày và cùng lấy đi hơn 0,5 điểm của chỉ số chung.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ITA vẫn là điểm sáng khi đóng cửa giữ vững mức giá trần 6.160 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong khoảng 1,5 tháng của cổ phiếu này, kể từ ngày 13/10. Đồng thời, thanh khoản của ITA cũng tăng vọt với khối lượng khớp lệnh đạt 10,8 triệu đơn vị, gần gấp đôi mức thanh khoản trung bình 10 phiên gần đây, đồng thời dư mua trần hơn 5,44 triệu đơn vị.
Mới đây, Tân Tạo đã có báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, Công ty đã công bố thông tin và khắc phục hết nguyên nhân đưa cổ phiếu ITA vào diện cảnh báo. Vì vậy, Tân Tạo đề nghị HOSE ban hành quyết định đưa cổ phiếu ITA ra khỏi diện cảnh báo theo đúng quy định.
Xét về nhóm ngành, với sự tỏa sáng của ITA, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn là nhóm ấn tượng nhất thị trường. Ngoài ITA, cổ phiếu SJS cũng đã kéo trần thành công và đóng cửa tại mức giá 72.300 đồng/CP với thanh khoản đạt hơn nửa triệu đơn vị; VGC tăng 3,2%; SIP tăng 1,9%; TIP tăng 1%; GVR, KBC, SZC, PHR… cũng đều giữ được sắc xanh. Tuy nhiên, nhóm lớn bất động sản vẫn mất điểm, với các mã như NVL, DIG, CII, HDC, NLG, VCG, KDH, LCG… đóng cửa trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng trong xu hướng chung của thị trường với sắc đỏ tràn ngập dù biên độ giảm không quá lớn. Trong đó, VIX và VND cùng đóng cửa giảm nhẹ khoảng 0,5%, với thanh khoản dẫn đầu thị trường, tương ứng đạt 38,61 triệu đơn vị và 28,33 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giật lùi khi chỉ còn TPB, LPB, EIB ngược dòng thị trường chung thành công với mức tăng hạn chế chỉ trên dưới 0,5%.
Nhóm thuộc top giảm mạnh nhất là thủy sản với VHC giảm 3,37%, FMC giảm 1,84%, ANV giảm 1,2%, các mã ACL, ASM, CMX, DAT, IDI giảm trên dưới 0,5%.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên chiều đã khiến thị trường rung lắc và đảo chiều giảm về mức giá thấp nhất trong ngày.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,88 điểm (-0,39%) xuống 226,15 điểm với 77 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 97,86 triệu đơn vị, giá trị 1.970,41 tỷ đồng, tăng nhẹ về khối lượng và tăng 15,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,44 triệu đơn vị, giá trị 48,53 tỷ đồng.
Bên cạnh cổ phiếu BVS và MBS cùng đảo chiều giảm điểm, cổ phiếu chứng khoán khác là SHS cũng giao dịch kém khả quan khi đóng cửa lùi về mốc tham chiếu 18.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn vượt trội với hơn 40 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhiều mã khác trong nhóm HNX30 đã tác động tới thị trường chung khi quay đầu giảm điểm, như CEO giảm 1,4% và khớp 12,96 triệu đơn vị, PVS giảm 1% và khớp 6,87 triệu đơn vị, TIG, PVC cũng điều chỉnh nhẹ.
Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp là IDC vẫn “chiến thắng” thị trường dù hạ độ cao đáng kể, kết phiên tăng nhẹ 0,6% lên mức 49.000 đồng/CP và khớp lệnh 3,6 triệu đơn vị.
Một điểm sáng đáng chú ý khác là HUT vẫn giữ được đà tăng tốt, đóng cửa tăng 2,1% lên mức 19.900 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu với hơn 4,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì đà giảm nhẹ trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%) xuống 84,99 điểm với 149 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 23,4 triệu đơn vị, giá trị 343,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 28 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR rung lắc và đã đóng cửa điều chỉnh giảm 0,5% xuống mức 18.800 đồng/CP, giao dịch vẫn dẫn đầu thị trường với 5,58 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SBS đóng cửa tăng 1,4% lên mức 7.300 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt 2,55 triệu đơn vị; C4G tăng 0,9% lên 11.700 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,2 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm hơn 1%. Trong đó, VNF2312 giảm 16,1 điểm, tương đương -1,5% xuống 1.076 điểm, khớp lệnh hơn 270.270 đơn vị, khối lượng mở gần 58.890 đơn vị.
Thị trường chứng quyền hôm nay cũng có giao dịch khá sôi động, trong đó CVPB2308 khớp hơn 7,4 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 14,3% xuống 180 đồng/cq. Tiếp theo là CSTB2305 khớp 6,44 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 15,4% xuống 220 đồng/cq.