Với diễn biến của thị trường hiện nay, trong ngắn hạn, việc các chỉ số tạo đáy ở đâu phụ thuộc rất lớn vào mức độ điều chỉnh giá của các nhóm cổ phiếu dẫn dắt, bởi thị trường chỉ có thể ổn định và tạo đáy nếu cung cầu cân bằng hơn. Thực tế, không bất ngờ khi nhiều chuyên gia dự báo, chỉ số VN-Index sẽ trải qua “bài kiểm tra” lại mốc 1.000 điểm trong tháng 5.
Dựa trên phân tích nền tảng cơ bản và kỹ thuật, ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực Miền Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường có thể xuyên thủng mốc 1.000 điểm ngay trong những phiên cuối tháng 5.
Tuy nhiên, nhà đầu tư không cần quá bi quan đối với diễn biến thị trường ngay cả khi kịch bản này xảy ra, bởi thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn đang được hỗ trợ mạnh bởi các yếu tố vĩ mô và kỳ vọng kết quả kinh doanh tích cực của doanh nghiệp trong trung, dài hạn.
Theo đó, các nhịp điều chỉnh sâu của thị trường là cơ hội để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho nhịp hồi phục trong giai đoạn nửa cuối năm.
Đáng chú ý, trong suốt các phiên giao dịch tháng 4 cũng như đầu tháng 5, dòng tiền vẫn đang có xu hướng rút ra khỏi các cổ phiếu đã có một giai đoạn tăng nóng kể từ đầu năm, trong bối cảnh tâm lý nghi ngại về mức độ hồi phục của chỉ số đang chiếm ưu thế. Điều này phản ánh tâm lý giao dịch của giới đầu tư chưa được cải thiện đáng kể và khiến cho những nhịp hồi phục của thị trường không kéo dài.
Dường như, thị trường đang đặt sự quan tâm đến hướng chuyển của dòng tiền cả trong và ngoài nước. Các nhà phân tích cho rằng, một nguồn tiền không nhỏ rút ra từ sàn niêm yết đang chuyển sang các cổ phiếu lớn sắp IPO, niêm yết, điều vốn đã được chiêm nghiệm từ các cuộc đấu giá lớn trước đây.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, nhà đầu tư không cần quá lo lắng về việc dòng tiền chuyển hướng từ các cổ phiếu trên sàn sang các cổ phiếu sắp IPO, lên sàn niêm yết như Techcombank, hay Vinhomes vừa qua, bởi dù ở đâu thì dòng tiền vẫn hiện hữu tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chưa kể, ngoài những cổ phiếu đã lên sàn, nhà đầu tư nội và ngoại vẫn rất hứng thú với các thương vụ cổ phần hóa/thoái vốn và đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết từ các doanh nghiệp lớn của Nhà nước.
Điều đáng lo ngại, theo ông Cường, là một phần dòng vốn rút từ thị trường chứng khoán Việt Nam đang chảy ra nước ngoài, nhất là rót vào thị trường trái phiếu Mỹ, trong bối cảnh lợi tức trái phiếu của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất 5 năm.
Đồng thời, lợi tức trái phiếu tăng gắn liền với dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất nhanh hơn so với dự kiến và chắc chắn sẽ nâng lãi suất vào tháng 6 tới đây. Theo khảo sát chuyên gia kinh tế của các tập đoàn tài chính toàn cầu, tỷ lệ dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 4 lần trong năm 2018 đã tăng lên trên 40%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Không ít báo cáo đã chỉ ra rằng, việc Mỹ tăng lãi suất sẽ có tác động tiêu cực tới dòng vốn ngoại trên toàn cầu, nhất là tại một số thị trường mới nổi. Không chỉ tại thị trường chứng khoán Việt Nam, ở các thị trường tương tự như Argentina, Philippines…, dòng vốn cũng đang có xu hướng rút từ các thị trường cận biên, mới nổi chuyển sang thị trường chứng khoán phát triển.
Lo ngại trên là có cơ sở, bởi nhìn lại giai đoạn năm 2013 và năm 2016, khi lợi tức trái phiếu Mỹ tăng mạnh, chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi đều giảm.
Hiện tại, diễn biến của thị trường đang nghiêng về xu hướng biến động thận trọng, khi nhà đầu tư đang “nín thở” chờ đợi, bởi rất có thể sẽ xảy ra các phiên giao dịch “giật cục” nằm ngoài tầm dự báo của các công ty chứng khoán.
Các diễn biến này sẽ tạo ra mặt bằng giá mới, khi cổ phiếu tăng giá được nhà đầu tư chốt lãi, trong khi những cổ phiếu không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư sẽ chịu áp lực bán mạnh hơn.
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn đến hết tháng 6, khi các thông tin vĩ mô nửa đầu năm rõ ràng hơn, cũng như kết quả kinh doanh bán niên của các doanh nghiệp được công bố.