Thua lỗ triền miên
Quý III/2019, trong khi Công ty Quản lý quỹ Manulife Investment (Việt Nam), Công ty Quản lý quỹ Eastspring Investments, Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt… thu được lợi nhuận cao hơn cùng kỳ năm trước, thì nhiều công ty quản lý quỹ khác lại báo lỗ như Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Việt Long, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Phương Ðông.
Ðáng chú ý, trong số những công ty quản lý quỹ báo lỗ quý III, không ít công ty trượt dài trong đà thua lỗ từ quý trước đó như Công ty cổ phần Quản lý quỹ Hợp Lực, Công ty cổ phần Quản lý quỹ AIC, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Việt Cát.
Một số công ty có lãi trong quý II, dù thị trường chứng khoán giảm, nhưng sang đến quý III lại lỗ như Công ty cổ phần Quản lý quỹ Hùng Việt, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Chứng khoán Bông Sen, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber.
Có công ty không ghi nhận doanh thu đến từ các hoạt động lõi của một công ty quản lý quỹ (quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, quản lý danh mục đầu tư chứng khoán, tư vấn đầu tư), mà chỉ ghi nhận doanh thu tài chính (khoản này cũng không nhiều nhặn gì), chẳng hạn Công ty cổ phần Quản lý quỹ AIC, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Phương Ðông.
Lỗ vượt quá 50% vốn chủ sở hữu
Kinh doanh thua lỗ kéo dài khiến một số công ty quản lý quỹ ghi nhận khoản lỗ lũy kế lớn, vốn chủ sở hữu đã ít lại còn bị “bốc hơi”.
Cụ thể, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Hợp Lực ghi nhận mức lỗ 1,3 tỷ đồng trong quý III/2019 (cùng kỳ năm 2018 lỗ 2,2 tỷ đồng). Tính đến thời điểm 30/9/2019, Công ty có lỗ lũy kế 65,8 tỷ đồng, vượt quá 50% vốn chủ sở hữu; vốn chủ sở hữu chỉ còn 34,1 tỷ đồng.
Tương tự, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber đạt doanh thu 297 triệu đồng trong quý III/2019 và lỗ 2,1 tỷ đồng, trong khi các chỉ tiêu này của cùng kỳ năm trước lần lượt là 2,8 tỷ đồng và 789 triệu đồng. Khoản lỗ lũy kế tính đến hết quý III/2019 của Công ty tăng lên hơn 27 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm còn 22,9 tỷ đồng.
Tình trạng trên nếu không được cải thiện, rất có thể các công ty sẽ đối mặt với nguy cơ bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) buộc phải ngừng hoạt động, do không đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định. Trên thực tế, điều này đã từng xảy ra với không ít tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Tìm cách thoái vốn
Hoạt động thua lỗ khiến một số ông chủ công ty quản lý quỹ quyết định thoái vốn.
Ðộng thái đổi chủ tại Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber vừa diễn ra. Với sự cho phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhiều cổ đông cũ của Công ty bao gồm cả pháp nhân lẫn cá nhân như Công ty TNHH Amino Finance Group, Công ty TNHH I Capital, Công ty cổ phần Ampire, ông Nguyễn Trung Kiên, ông Lê Hồng Quang đã chuyển nhượng toàn bộ lượng cổ phần nắm giữ, tổng cộng 49,5% vốn điều lệ, cho nhà đầu tư Lê Mạnh Linh.
Sau giao dịch này, ông Linh nâng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Công ty Quản lý quỹ Amber từ 19,8% lên 69,3%.
Ngoài ông Linh, công ty này còn 3 cổ đông khác gồm Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Anh Thắng nắm giữ 10,9% cổ phần; hai cổ đông Louis T Nguyễn và Công ty cổ phần Amber Capital, mỗi cổ đông nắm giữ 9,9% cổ phần.
Hiện tại, ông Lê Mạnh Linh giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Amber, thay cho ông Trần Anh Thắng. Một nhân sự cấp cao khác cũng được thay thế sau khi ông Linh lên làm Chủ tịch là bà Doãn Hồ Lan lên giữ chức vụ Tổng giám đốc, thay bà Nguyễn Thị Mai Trinh.
Tại Công ty cổ phần Quản lý quỹ AIC, Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa thông qua miễn nhiệm toàn bộ 4 thành viên Hội đồng quản trị cũ nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm Lã Giang Trung (Chủ tịch Hội đồng quản trị), Trần Phương Dung, Chu Minh Ngọc và Nguyễn Thị Tuyết, đồng thời bầu 3 nhân sự mới là Nguyễn Quốc Việt, Ðoàn Minh Ðức và Nguyễn Hải Long.
Trong đó, ông Việt lên nắm giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị thay ông Trung. Cùng với đó, Công ty quyết định đổi tên thành Công ty cổ phần Quản lý quỹ Genesis.
Hết quý III/2019, Công ty Quản lý quỹ AICAIC có lỗ lũy kế 4,6 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn 23,3 tỷ đồng. Ðể gia tăng năng lực tài chính, chủ mới của Công ty có tham vọng phát hành riêng lẻ toàn bộ 1,2 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư Ðỗ Hoàng Quỳnh Trang, tăng vốn điều lệ lên 40 tỷ đồng. Kế hoạch phát hành này sẽ được thực hiện trong năm 2019 - 2020.
Một công ty khác có động thái đổi chủ là Công ty cổ phần Quản lý quỹ Hùng Việt. Ngày 7/11 tới, Công ty sẽ triệu tập họp Ðại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 để sửa đổi điều lệ Công ty, mở “room” sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.
Ðại hội cũng sẽ xem xét thông qua cho phép tổ chức đầu tư nước ngoài là Korea Investment Management Co, Ltd (Hàn Quốc) hoặc một tổ chức nước ngoài khác được mua cổ phần để sở hữu 99% vốn điều lệ Công ty.
Bức tranh toàn ngành vẫn có nhiều điểm sáng
Theo Vụ Quản lý quỹ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tình hình hoạt động của ngành quản lý quỹ trong 9 tháng đầu năm 2019 nhìn chung là ổn định và có hiệu quả. Toàn thị trường có 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động và 4 công ty thuộc dạng tái cấu trúc.
Tại thời điểm 30/9/2019, vốn chủ sở hữu của 45 công ty là gần 4.000 tỷ đồng, tổng giá trị tài sản quản lý hơn 301.000 tỷ đồng, tăng trên 15% so với cuối năm 2018.
Có tổng cộng 48 quỹ đầu tư chứng khoán với tổng quy mô giá trị tài sản ròng gần 33.000 tỷ đồng, bao gồm 11 quỹ thành viên, 32 quỹ mở, 2 quỹ ETF, 2 quỹ đóng và 1 quỹ bất động sản. Trong đó, 9 tháng đầu năm, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cấp phép thành lập cho 8 quỹ đầu tư mới.
Cùng với sự phát triển về số lượng, giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ tính đến hết tháng 9/2019 là 32.900 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2018.