VN-Index: Sóng ngắn hay sóng dài?

VN-Index: Sóng ngắn hay sóng dài?

(ĐTCK-online) Sau gần 2 tháng giao dịch lình xình, VN-Index có dấu hiệu tăng mạnh trong những phiên gần đây. Liệu VN-Index đang bước vào chu kỳ tăng giá hay đây chỉ là một đợt sóng nhỏ trên thị trường?

Yếu tố thúc đẩy thị trường

Theo quan sát của chúng tôi, có 2 yếu tố chính tạo nên đợt sóng mới của VN-Index. Đó là: (1) tăng trưởng trở lại của tín dụng; (2) nguồn vốn khả dụng trong hệ thống ngân hàng.

VN-Index: Sóng ngắn hay sóng dài? ảnh 1

Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN), tín dụng tháng 2 tăng 1,14% so với tháng trước và là mức tăng cao nhất trong 3 tháng kể từ tháng 12/2009. Biểu đồ cho thấy, tăng trưởng tín dụng có mối tương quan với VN-Index. Cùng kỳ năm ngoái, tháng 2 và 3/2009, sự tăng trưởng mạnh của tín dụng đã góp phần tạo nên chuỗi tăng điểm ấn tượng của VN-Index trong 2 quý sau đó.

Câu hỏi quan trọng lúc này là: liệu tín dụng có tiếp tục tăng trưởng trong các tháng tới và tạo nên sự hỗ trợ cho TTCK? Những tháng cuối năm 2009, tăng trưởng tín dụng bị hạn chế bởi mức tăng trưởng tín dụng đã vượt trần 30% mà NHNN đặt ra. NHNN e ngại nguy cơ lạm phát tăng cao nên có động thái hạn chế và gia tăng biện pháp kiểm tra hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại. Hơn nữa, bản thân hệ thống ngân hàng lúc đó ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn do mở rộng cho vay. Thống kê của chúng tôi cho thấy, rất nhiều ngân hàng thương mại, cả nhà nước lẫn cổ phần, có tỷ số dư nợ cho vay/huy động vốn cao hơn 80 - 90%.

Tuy nhiên, nguồn vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây. Theo thông tin từ NHNN (ngày 3/3), “vốn khả dụng của các NHTM trước Tết dư thừa khoảng 13.000 tỷ đồng và hiện nay khoảng 30.000 tỷ đồng”. Do đó, các ngân hàng đã có thể sẵn sàng cho vay. Về phía các nhà hoạch định chính sách, chúng tôi cho rằng, có khả năng tín dụng sẽ được mở rộng trong tháng 3 này nhằm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế sau 3 tháng “hạ nhiệt” tín dụng. Điều này là quan trọng, nhằm tạo ra một mức tăng trưởng cao cho GDP quý I. Hạn mức tăng trưởng tín dụng 25% trong năm nay chưa phải là vấn đề cần lo lắng vào lúc này, bởi đây mới chỉ là giai đoạn đầu năm, cũng là giai đoạn đầu tiên của mùa tín dụng.

Lãi suất huy động và cho vay đang có dấu hiệu “hạ nhiệt” sẽ có lợi cho TTCK (một số ngân hàng đang giảm lãi suất huy động). Trong các tháng cuối năm 2009, sự khan hiếm nguồn tiền đã khiến cho lãi suất huy động tăng cao và làm hạn chế sự hấp dẫn của chứng khoán. Nay, khi tình hình nguồn vốn được cải thiện, kênh chứng khoán tỏ ra hấp dẫn hơn so với kênh tiết kiệm.

 

Thận trọng thời điểm cuối tháng 3

Mặc dù nhận định tín dụng có khả năng tăng trưởng trong tháng 3, nhưng chúng tôi không dám chắc rằng, điều này có thể xảy ra trong vài tháng tới. Sở dĩ như vậy bởi một số thông tin bất lợi có thể xuất hiện vào cuối tháng 3.

Thứ nhất, lạm phát hai tháng đầu năm ở mức 8,04% so với cùng kỳ năm 2009. Do đó, các nhà điều hành lo ngại khả năng lạm phát tiếp tục tăng cao trong tháng 3. Điều này nhiều khả năng xảy ra, bởi giá bán điện, nước, giá xăng đã được điều chỉnh tăng. Một số ý kiến cho rằng, lạm phát tháng 3 rất quan trọng và có khả năng quyết định đến mức lạm phát cả năm (nếu lạm phát tháng 3 tăng cao, lạm phát cả năm sẽ khó giữ ở mức một con số). Do đó, rất có thể các nhà điều hành chính sách sẽ chờ đợi thông tin lạm phát tháng 3 trước khi quyết định có mở rộng thêm tín dụng vào tháng 4, 5 hoặc sau đó.

Thứ hai, quan sát diễn biến thị trường thời gian qua, nhiều NĐT vẫn e ngại về khả năng tăng lãi suất cơ bản sẽ tác động xấu đến TTCK (thông thường, ngày 25 hàng tháng, NHNN quyết định lãi suất cơ bản cho tháng tới). Nếu như lạm phát tháng 3 ở mức cao và tỷ giá biến động xấu, rất có thể tâm lý của NĐT trở nên bi quan. Cần phải nói thêm rằng, đa số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đang kỳ vọng vào khả năng tăng lãi suất cơ bản (chỉ khác nhau ở mức tăng bao nhiều). Và đây chính là lý do dẫn đến những hoài nghi của thị trường trong tháng 3.

Thứ ba, thị trường tài chính thế giới sẽ có những thông tin quan trọng vào cuối tháng 3. Tại Mỹ, các NĐT sẽ đón nhận quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (FED) về việc kết thúc chương trình mua trái phiếu thế chấp 1.250 tỷ USD vào cuối tháng 3/2010 hay không. Bên cạnh đó, “số phận” của chương trình “đổi xe cũ lấy xe mới” cũng sẽ kết thúc trong tháng 3. Không những thế, nhiều vấn đề của Mỹ hiện vẫn đang được “treo” lơ lửng như: kế hoạch rút 1.000 tỷ USD khỏi hệ thống tài chính, kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính của Obama (đề xuất cấm mảng tự doanh). Trong khi đó, Trung Quốc sẽ thông báo việc có thay đổi chính sách tiền tệ hay không sau khi Quốc hội Trung Quốc tổ chức họp vào cuối tháng 3. Tại châu Âu, vấn đề khủng hoảng tại Hy Lạp xem ra vẫn chưa có lời giải chính thức.

Những phân tích trên cho thấy, TTCK rất có thể ở trong trạng thái chờ thông tin trong thời gian gần cuối tháng 3. Do đó, khả năng tăng điểm của VN-Index có thể duy trì trong một thời gian ngắn. Điều này đang được ủng hộ bởi phân tích kỹ thuật.