Có một điều mà từ lâu người ta vẫn nghe, đấy là: nên đầu tư dài hạn. Nhưng xem chừng, những người đầu tư dài hạn đến thời điểm này đã không chịu đựng được nữa, bởi thị trường vẫn liên tục giảm.
Giám đốc phụ trách đầu tư của một CTCK lớn cho biết: "Khi VN-Index giảm xuống mức 850 điểm, giá nhiều mã chứng khoán thấy đã rất hợp lý, khó thể rẻ hơn được nữa. Thế là dồn hết số hạn mức cho danh mục, thậm chí còn "lậm" thêm cả 20% vốn để mua vào. Vậy mà, tính đến bây giờ mất tới gần 30%. Thôi, đành dài hạn vậy!"
Với nhiều nhà đầu tư cá nhân, một niềm vui theo kiểu "AQ chính truyện" cũng giúp an ủi phần nào: thiên hạ chết cả, chứ riêng gì ai? Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư buộc chuyển hướng dài hạn, lỗ 10% hay 15% đã là thành công lắm lắm! Lúc đấy mới thấm thía câu: đứng im cũng là hành động!
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng "ngâm cứu" mong tìm giải pháp thúc đẩy thị trường đi lên.
Điều quan trọng là chính những gì nhà đầu tư suy nghĩ. Nếu 4 tháng trước, VN-Index chỉ cần chạm ngưỡng 900 điểm là nhà đầu tư ồ ạt mua vào thì hiện nay, VN-Index phá đáy nhiều phiên mà lượng cầu vẫn chưa thấy đi lên, giá nhiều mã chứng khoán chẳng ai nghĩ có thể giảm mạnh như vậy.
Liệu chất lượng hoạt động của doanh nghiệp kém đi? Qua khảo sát, các ngân hàng báo cáo kết quả lợi nhuận hết sức khả quan. Nhưng giá cổ phiếu vẫn không tăng? Hóa ra, tại giá VCB đang là con đập lớn! VCB "to" thế mà giá chỉ 100.000 đồng/cổ phiếu, ACB thì cứ chờ đấy nhé, dẫu có là ngân hàng cổ phần tốt nhất cũng đừng mơ mà lên cao được! Lên sàn, hỏi nhà đầu tư, ai cũng bảo: "Giá thấp quá rồi, rẻ quá rồi mà sao chẳng ai mua?". Nhưng hỏi: "Anh/chị có mua không?". Câu trả lời lại là: "Chờ tiếp đã, xem họ có mua không thì mình mới mua".
Đã là cổ phiếu ngân hàng nhất định phải quy chiếu theo VCB vì VCB đang là ngân hàng "to" nhất. VN-Index giảm mạnh, cổ phiếu dù tốt, giá dù rẻ vẫn không mua. Nhất định phải chờ thiên hạ mua trước! Đây là điểm khác biệt giữa nhà đầu tư có bản lĩnh và nhà đầu tư "yếu ớt". Cuộc đấu giá Đạm Phú Mỹ cũng đã cho thấy sự khác biệt này. Và rất có thể, trong thời gian tới, cổ phiếu của Sabeco cũng sẽ là công cụ đánh giá mức độ bản lĩnh của mỗi người đầu tư.
Trước đây, khi REE chưa niêm yết, Quỹ VinaCapital đã mạnh dạn cho REE vay vốn với chi phí thấp kèm điều kiện phải bán cổ phiếu cho Quỹ và REE phải niêm yết ngay khi có sàn giao dịch. Điều này cho thấy tầm nhìn dài hạn của một nhà kinh doanh thành đạt. Và bài học rút ra là: phải mạnh dạn hy sinh cái nhỏ để đánh đổi cái lớn. Vậy, tại sao chúng ta luôn phải chờ đợi phản ứng của đám đông trước khi đầu tư thay vì mạnh dạn là con chim đầu đàn?
Trở lại với tâm lý nhà đầu tư trong nước, có thể nói rằng, chúng ta, những nhà đầu tư cá nhân chịu khá nhiều ảnh hưởng từ báo cáo của các tổ chức nước ngoài. Và sự thật là, sự tin tưởng đó có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp giúp báo cáo của các tổ chức lớn thành hiện thực. HSBC đã từng nhận định: VN-Index cuối năm 2007 sẽ khoảng 900 điểm.
Không ai trong số chúng ta tin như vậy, thậm chí giai đoạn tháng 10/2007, VN-Index còn đạt mức rất cao: 1105,21 điểm (15/10/2007). Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 28/12/2007 (phiên cuối cùng của năm 2007), VN-Index chỉ đạt 927,02 điểm. Hóa ra, HSBC đúng! Giả thiết nhận định của HSBC tiếp tục đáng tin cậy thì cuối năm 2008, VN-Index dự kiến khoảng 1.100 điểm. Nếu so sánh với thời điểm hiện tại là 811,8 điểm thì VN-Index sẽ tăng khoảng 36%. Một tỷ lệ tăng trưởng không hề nhỏ!
Thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, song những vẫn tiềm ẩn những yếu tố kìm hãm sức cầu. Không lẽ UBCK ra lệnh cho CTCK, các quỹ phải mua vào để kích cầu? Hay Chính phủ phải chi tiền ra để mua cổ phiếu? Hay doanh nghiệp phải tạm thời ngưng sử dụng vốn đầu tư để mua lại cổ phiếu nhằm giảm cung, tăng cầu? Ai có thể kích thích TTCK nếu không phải là những người đang đầu tư chứng khoán?